Top

Quý 1/2012: Sáp nhập tiếp 5 - 8 ngân hàng

Cập nhật 12/01/2012 10:40

Tiếp tục sáp nhập các ngân hàng, duy trì trần lãi suất và tỷ giá ổn định... Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo chiều ngày 11/1/2012.

Tái cơ cấu: làm mạnh trong quý 1/2012


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện có khoảng 5 - 8 ngân hàng nằm trong diện hợp nhất hoặc cho mua bán lại, theo cơ sở tự nguyện, theo pháp luật.

Đây là bước đi tiếp theo của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Việc hợp nhất hay mua bán lại về hình thức thì theo cơ học, nhưng các vấn đề bên trong, các cơ quan quản lý đã lường tính cụ thể.

"Đó là dự tính, còn nó có diễn ra đúng như vậy hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố nội tại của các NH. Khi triển khai thì vẫn thực hiện trên cơ sở tự nguyện và theo đúng quy định của pháp luật", Thống đốc nói.

"việc tái cấu trúc, lợi ích nhóm sẽ nổi lên rất nhiều, nhưng phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng", Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2012 với những mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống. Trong quý 1 này, NHNN dự kiến sẽ có khoảng 5 - 8 NHTM thuộc diện xem xét cho phép hợp nhất hoặc mua bán lại

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, từ 2012, nhiệm vụ chủ yếu là tập trung tái cấu trúc TCTD yếu kém, để họ hoạt động như hiện nay thì có nguy cơ đổ vỡ chính họ và ảnh hưởng hệ thống. Trong 3 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém. Để những ngân hàng không còn quấy đảo, gây ảnh hưởng tới hệ thống. Sau đó sẽ xử lý quyết liệt hơn vấn đề thanh khoản, tạo vốn tốt hơn, có thể đẩy mạnh cung tiền, đi vào sản xuất cho doanh nghiệp đỡ căng thẳng, sức sống DN có thể mạnh hơn.

Tỷ giá tăng 2 - 3%

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong năm qua, đã có nhiều cơ sở để ổn định được thị trường tiền tệ. Trên cơ sở phân tích kinh tế vĩ mô, trong năm 2012 nếu không có những cú sốc lớn, thì có thể khẳng định thị trường ngoại hối năm tới sẽ ổn định.

Theo kinh nghiệm của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, những năm gần đây tỷ giá tăng 10%. Năm nay với cách điều hành nhất quản của chính phủ và SBV thì tỷ giá sẽ trơn tru hơn, ổn định hơn. Nếu không có những yếu tố bất ngờ, xáo trộn lớn thì tỷ giá dự kiến chỉ tăng khoảng 2% - 3%.

Bên cạnh đó, dự báo cán cân thanh toán của ta có thể thặng dư khoảng 3 tỷ USD trong năm 2012.

Nhìn lại điều hành năm 2011, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc tăng tỷ giá 9,3% vào tháng 2/2011 đáng ra phải được tăng nhiều lần trước đó, nhưng do tránh những xáo trộn, nên phải dồn lại.

Liên quan đến giá trị của VND, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu tháng 8 vừa rồi vàng không chao đảo thì VND còn lên giá; từ tháng 4 - 8 VND lên giá, SBV liên tục mua vào ngoại tệ theo giá "lưng chừng", nếu mua theo giá sàn thì VND còn lên giá. Tuy nhiên, chúng ta không muốn VND lên giá quá mạnh. Nếu SBV không can thiệp thì VND lên giá mạnh. Đổi lại, chúng ta có hàng tỷ USD cho dự trữ ngoại hối.

Trong năm rồi ai đầu tư ngoại tệ là lỗ, VND có lãi. 10 tháng cuối năm 2011, VND dao động tăng khoảng 1% thôi, trong khi lãi suất VND 14%, 10 tháng đó gửi ngân hàng thu được khoảng 12%, trừ 1% biến động tỷ giá thì vẫn lãi 10 - 11%. Gửi USD được lãi suất 2%, cộng 1% tăng tỷ giá, vẫn chỉ bằng khoảng 1/2 nếu gửi VND.

Chính sách SBV trong thời gian tới là đảm bảo vị thế cho VND, cho lợi ích nắm giữ VND.

Hạ lãi suất: Chưa thể làm ngay


Liên quan đến yêu cầu hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nói hạ lãi suất, nhưng không phải nói là làm được ngay. Cái khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được lãi suất.

Bình thường tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được. Lạm phát đang có chuyển biến, nền tảng để có thể giảm lãi suất. Nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà phải đảm bảo thanh khoản.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vấn đề chung của nền kinh tế hiện nay là thanh khoản. Nguyên nhân lớn nhất là do hệ thống ngân hàng sử dụng cơ cấu kỳ hạn chưa hợp lý.

Trong một thời gian dài hệ thống huy động chủ yếu là ngắn hạn. Trước đây được 40% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, năm qua rút xuống 30%. Thời gian qua việc tuân thủ còn yếu, việc xử lý cũng chưa mạnh, kéo dài. Một mặt dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng lên, không còn 30%, 40% như quy định mà còn lên cao nữa; cá biệt có trường hợp lên tới gần 100%. Trước đây, khi thị trường tương đối ổn thì có thể huy động các kênh khác để bù đắp, thắt chặt tiền tệ thì sự bù đắp đó thiếu hụt gây ra thiếu thanh khoản.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, nhu cầu vốn của hệ thống cao, nếu tự do lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, lãi cho vay ra cao, DN khó khăn, không đảm bảo được tăng trưởng kinh tế... Cho nên việc áp dụng trần lãi suất là để đảm bảo hệ thống huy động ở một mức nhất định, cho vay ra ở mức lãi chấp nhận được.

"Thực chất NHNN không muốn có trần lãi suất nhưng trong hoàn cảnh kinh tế vừa qua buộc phải áp dụng để ổn định thị trường tiền tệ. Từ đó, muốn không có trần lãi suất thì thanh khoản phải đảm bảo và tập trung vào thị trường vốn ngắn hạn. Trước mắt, từ nay đến tháng 6/2012, NHNN chưa thể bỏ trần lãi suất nhưng NHNN sẽ xem xét mức độ biến động của thị trường và sẽ có chính sách hợp lý", Thống đốc nhấn mạnh.

Thông đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, tái cấu trúc, mục tiêu cuối cùng là đưa thị trường tiền tệ trở về đúng vai trò của nó. Nếu làm được điều đó thì nhất định không có trần lãi suất, không còn chuyện căng thẳng, khó khăn thanh khoản. Cái khó bó cái khôn, chúng tôi cũng không mong muốn áp trần. Nhưng có những thời điểm là cần thiết để đảm bảo ổn định, vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lạm phát giảm thì mới tính bỏ trần, các ngân hàng chấp hành các tỷ lệ đảm bảo an toàn tốt hơn và thanh khoản tốt thì tính bỏ trần.

CSTT 2012 sẽ chặt chẽ, không như trước đây khiến thị trường méo mó. Mục tiêu vẫn là kiềm chế CPI nên cung tiền cũng ở mức độ phù hợp. Khi đó mới giải quyết một bước thanh khoản ngân hàng, chặn bớt sự hút vốn ở những mảng hạn chế, rồi sẽ tính đến giảm lãi suất.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF