Top

Thống đốc thừa nhận lạm phát có nguyên nhân do chính sách tiền tệ

Cập nhật 13/01/2012 12:55

Thống đốc cho biết, thời gian qua đôi khi NHNN chưa làm tốt công tác điều hành và phần nào gây ra một số bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, trước hết, phải thấy rằng khi ban hành chính sách gì thì phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, để giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt hoặc dài hạn.

"Muốn vậy, NHNN phải có các công cụ, biện pháp thích hợp mà trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi thường sử dụng là điều tiết lượng tiền trong lưu thông", Thống đốc nói.

Ông Bình đưa ra nhận định, nếu cung tiền ít thì thiếu thanh khoản, nếu nhiều thì dẫn tới lạm phát. Điều đó đòi hỏi NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, và nhiều khi, sự điều hành đó vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật.

"Chúng ta thấy rằng, để nấu món ăn ngon thì các giáo trình giống nhau, gia vị, nguyên liệu giống nhau nhưng mỗi người đầu bếp có thể nấu ra các sản phẩm khác nhau. Đối với chính sách tiền tệ, những lý thuyết cơ bản đã được ghi thành sách giáo khoa, với các công cụ nhất định. Do vậy, sử dụng đồng bộ, hài hòa các công cụ cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ đặt ra là khoa học và nghệ thuật", vị Thống đốc ví von.

Tuy nhiên, Thống đốc thừa nhận rằng, trong thời gian qua, đôi khi NHNN chưa làm tốt công tác đó và một số bất ổn về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, mặc dù lạm phát do nhiều nguyên nhân nhưng cũng phải nói rằng, có nguyên nhân do chính sách tiền tệ.

Thống đốc cũng cho biết thêm, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và do điều hành giá của chung ta chưa tốt. Trong CPI Việt Nam thì lương thực, thực phẩm chiếm phần lớn. Suốt 5 năm lại đây CPI Việt Nam bám rất sát với biến động của lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới. Do vậy giữa việc điều hành sản xuất và giá của nhóm mặt hàng này còn nhiều điểm yếu. Nếu khắc phục được điểm này lạm phát năm nay có thể dừng ở 12%.

"Lạm phát có nhiều nguyên nhân nhưng không thể loại bỏ trong đó có chính sách tiền tệ. Đó là yếu kém mà chúng tôi phải thừa nhận”, ông Bình thẳng thắn.

Hồi đầu tháng 9, trả lời câu hỏi về việc chính sách tiền tệ không phù hợp thời gian qua chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng xác nhận, lạm phát là vấn đề của tiền tệ, xét trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, thời điểm đó, Thống đốc cũng khẳng định: "Xét trên bình diện chống lạm phát, việc giảm lãi suất không hề mâu thuẫn".

Phát biểu tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012 diễn ra vào đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Trong điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều điều đáng rút kinh nghiệm. Cần phải nghiêm túc xem lại. Có những khó khăn do chính chúng ta gây ra”.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận những thành công đáng kể của ngành ngân hàng trong năm qua. Một trong số đó là kiềm chế tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong khi vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tăng trưởng tín dụng năm qua là 13,1%, mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6%, đây là mức được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc giữ ổn định được tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng là một thành công đáng kể. Nếu tính từ tháng 2/2011 đến 31/12/2011 thì tỷ giá của Việt Nam biến động không quá 1%. Kết quả đó là do sự điều hành chung của chính sách tiền tệ, sự hấp dẫn của đồng Việt Nam so với ngoại tệ. Hiện tượng đầu cơ vào ngoại tệ đã giảm đi rất nhiều và người dân có xu hướng bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, cũng như NHNN có điều kiện mua được ngoại tệ, tăng dự trữ quốc gia.

DiaOcOnline.vn - Theo DVT