Top

Doanh nghiệp bất động sản chờ gỡ vướng dự án “treo”

Cập nhật 06/06/2010 10:30

Toàn bộ việc đầu tư, xây mới các dự án nhà cao tầng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang bị ách lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không ít DN niêm yết. Nhiều nhà đầu tư cũng có nguy cơ thiệt hại khi mua vào các cổ phiếu này với kỳ vọng những dự án trên sẽ được kết chuyển lợi nhuận ngay trong năm nay.

Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Điểm qua các DN niêm yết, có không ít đơn vị chịu thiệt từ quyết định này. Đơn cử, CTCP Xây dựng Sông Hồng (mã ICG), CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (mã EFI) đã cùng một số đơn vị khác liên doanh đầu tư tổ hợp tòa nhà chung cư cao cấp, văn phòng kết hợp với trung tâm thương mại cao 21 - 29 tầng tại 187 Giảng Võ, Cát Linh (Đống Đa).

Dự án này có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, trên diện tích khu đất 9.149 m2 các bên đã có thỏa thuận quy hoạch kiến trúc và được duyệt quy hoạch 1/500. Đây là dự án chủ lực của EFI và Công ty đang tiến hành tăng vốn để đầu tư cho dự án này. Song theo quy định trên, dự án đã bị ngưng lại.

Tương tự, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) đang bị ách lại các dự án bất động sản ở những vị trí "đắc địa" như Dự án đầu tư xây dựng lại Khu tập thể số 97 Láng Hạ, cao 27 tầng, tổng mức đầu tư khoảng 487 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng lại Khu tập thể số 59, 63 Huỳnh Thúc Kháng, quận Ba Đình với quy mô 25 tầng và 3 tầng hầm, tổng mức đầu tư dự khoảng 273 tỷ đồng, thời gian khởi công dự kiến quý I/2010.

CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (mã SDU) có dự án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể tại 26 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, quy mô 25 tầng, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể 222A Đội Cấn. Với dự án Khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, năm 2010, Công ty đặt mục tiêu hoàn thành và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thỏa thuận và lập phương án đền bù tạm cư và tái định cư, lập thiết kế cơ sở và lập dự án đầu tư, nay mọi việc "án binh bất động".

Vinaconex thì có dự án 423 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng với quy mô 2 tòa nhà văn phòng cao 22 tầng, 3 toà chung cư 24 - 28 tầng. Tuy dự án mới ở bước triển khai ban đầu, song DN cũng không thể đẩy nhanh tiến độ để xin phép xây dựng và đang tạm ngưng chờ… hướng dẫn.

Ẩn số lợi nhuận 2010 và các năm sau

Dự án bất động sản tại 4 quận nội đô cũ tại Hà Nội đều được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng" của các DN. Với việc bị tạm dừng, không những không có trứng vàng, DN còn có thể rơi vào thua lỗ. Theo ước tính sơ bộ tại cuộc họp lấy ý kiến trình lên Thủ tướng Chính phủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua, con số DN đang có các dự án tạm ngưng triển khai tới hàng trăm đơn vị, số tiền thiệt hại có thể lên tới con số hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nhiều DN phản ánh, họ đã đầu tư một nguồn vốn lớn cho những dự án này trong nhiều năm qua. Có dự án chuẩn bị di dời, giải phóng mặt bằng, xin cấp phép trong nhiều năm, nhưng đến khi có thể khởi công xây dựng thì bị tạm ngừng.

Phần lớn DN đều đã hoàn thành các thủ tục tài chính cần thiết, nộp ngân sách tiền thuê đất từ 150 - 200 tỷ đồng. Nguồn vốn này phải huy động từ tiền nhàn rỗi của người dân và vay ngân hàng. Dự án bị tạm ngừng, đồng nghĩa với việc DN phải chi hàng tỷ đồng trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Đại diện PVC còn cho rằng, một số DN có thể đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không có tiềm lực về kinh tế lớn.

CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (mã MCG) đã khởi công và thực hiện xây dựng xong phần móng dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng và văn phòng tại 102 đường Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, với quy mô đầu tư 800 tỷ đồng.

Theo Luật Nhà ở, Công ty được phép ký hợp đồng bán nhà và hạch toán một phần lợi nhuận của dự án. Song do trước đó MCG xin nâng tầng cao các tòa nhà từ 17 lên 22 tầng, nên hiện tại việc xem xét quyết định cho nâng tầng dự án hay không cũng bị ách lại.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT MCG cho biết, cũng vì chưa có quyết định cuối cùng về chiều cao tòa nhà nên việc ký kết hợp đồng bán hàng không thực hiện được, Công ty cũng chưa thể hạch toán được một phần lợi nhuận của dự án vào lợi nhuận quý II/2010. Tiến độ tháo gỡ vướng mắc này có ảnh hưởng lớn tới kế hoạch lợi nhuận của DN trong năm 2010.

Hiện VCCI đang tập hợp kiến nghị của các DN có dự án bất động sản trong nội đô bị tạm ngưng thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Liệu những dự án mà DN đã công bố thông tin tới các nhà đầu tư và được các CTCK phân tích khả năng đem lại lợi nhuận cho DN có khả thi không? Câu trả lời không đơn giản và phụ thuộc rất nhiều vào sự "gỡ khó" của cơ quan quản lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán