Nhiều “đại gia” địa ốc Đà Nẵng đang rất lo lắng vì thời điểm đáo hạn vay nợ ngân hàng đã cận kề. Sự “bể nợ” của vài nhân vật có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh này càng làm họ thắc thỏm.
Vào thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp (DN) môi giới, kinh doanh địa ốc Đà Nẵng đều cay đắng nhận xét rằng, sức mua bán, dịch chuyển đất đai trên địa bàn thành phố này vẫn giữ ở mức thấp. Dù nhiều khu vực tại Đà Nẵng đã có thông tin về một số dự án sắp khởi công, song giá đất không vì thế mà thay đổi.
Thậm chí, một số lô đất ở khu vực trung tâm còn phải giảm giá bán từ 10% đến 15% so với thời điểm sốt “mua vào” hồi cuối năm 2007, nhưng vẫn chẳng có tín hiệu phản hồi.
Trục đường Nguyễn Văn Linh vốn có thời điểm “vọt giá” đến gần 100 triệu đồng/m2 ở các lô lợi thế, thì nay đã có người rao giá dưới 80 triệu đồng/m2. Có DN môi giới còn khẳng định, tại các vị trí đẹp ở các tuyến đường mới, nếu người mua thanh toán ngay bằng tiền mặt, thì bên bán sẵn sàng “down giá” tiếp.
Ông K., một người có thâm niên môi giới đất ở Đà Nẵng cho biết, so với thời kỳ thị trường nhà đất Đà Nẵng bị đóng băng kéo dài gần 3 năm trước đây, tình thế hiện nay còn đáng bức xúc hơn.
“Trước đây, người ta giữ đất trên sổ, trên phiếu đăng ký, nên đất có đóng băng cũng không đáng lo lắm. Còn bây giờ, đất đai đều liên quan đến nợ vay ngân hàng, tiền lãi vay mượn bên ngoài, không ai có thể ngồi yên được”, ông K. than thở.
Trong những ngày này, đến nhiều quán café “hộp” của Đà Nẵng, người ta dễ dàng nhận ra nhiều phụ nữ trung niên ngồi túm tụm bên nhau, với vẻ mặt đầy băn khoăn và lo lắng.
Họ là các “chủ đất” đang trong nỗi lo về lãi vay ngân hàng. Giám đốc một DN chuyên kinh doanh điện thoại của Đà Nẵng cho biết, vợ ông cũng là một trong số đó.
Bà đang “sốt vó” với món vay ngân hàng dùng “đập vào” mấy lô đất “lỡ mua” ở ngoại thành Đà Nẵng gần 1 năm trước. Thời điểm đó, ông đã bán một lô đất mua từ lâu, để lấy vốn tăng thêm cho kênh kinh doanh chính, nhưng trước sự cám dỗ của cơn sốt đất lúc bấy giờ, vợ ông thuyết phục chồng “chung vốn” với cô em gái đặt cọc lấy mấy lô đất ở khu vực “tiềm năng”.
Ngay sau khi mua, giá đất đã nhích lên, càng làm bà yên tâm, phấn khởi, gom hết tiền và đi vay thêm ngân hàng để lấy đất. Thế nhưng 3 tháng sau, giá đất bắt đầu tụt dài, lãi không thấy đâu mà nợ vay ngân hàng ngày càng đè nặng. Ông cố gắng nhờ cậy bạn bè tìm mối bán đi, song chẳng có kết quả.
Thực tế, con số cá nhân và DN ở Đà Nẵng đi vay ngân hàng cho các dự án hạ tầng không hề ít và tình cảnh của họ đều bi đát như trên.
Các khoản vay thường từ 1 đến 2 tỷ đồng, song đều hoàn toàn không có khả năng được thanh toán đúng thời điểm. Một số người đang tìm cơ hội với những mảnh đất nhỏ lẻ trong các khu dân cư vùng ven như Bắc Mỹ An, Hòa Minh…, để “mua nhanh bán nhanh” nhằm thanh toán bớt lãi vay ngân hàng.
Đây là lý do khiến giá đất một số khu vực tầm trung của Đà Nẵng có dấu hiệu tăng nhẹ và dự kiến đến cuối năm nay sẽ nhích lên 5-7%.
Song trên bình diện chung, thị trường địa ốc Đà Nẵng trong 3 tháng cuối năm 2008 sẽ vẫn đầy ắp nỗi lo của những người “lỡ mua” đất bằng vốn vay ngân hàng!
Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: