Mức cho vay chỉ bằng 70% tài sản đảm bảo nhưng giá bất động sản sụt giảm nặng khiến các chủ nhà băng đứng ngồi không yên.
Năm 2007, các ngân hàng nhiệt tình cho vay đầu tư dự án, mua nhà đất hấp dẫn bao nhiêu thì giờ đây họ lại hắt hủi, xa lánh khách hàng bấy nhiêu. Dù tổng dư nợ tín dụng mà các ngân hàng cho vay mua bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% nhưng lo ngại vẫn rập rình.
Thế chấp “trùng” thế chấp
Cơn “lạnh” của thị trường bất động sản đang làm cho các ngân hàng đứng ngồi không yên. Theo thống kê, Ngân hàng Đông Á đã cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khoảng 24.500 tỷ đồng.
Ngân hàng An Bình cũng cho vay khoảng 1.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ... Các ngân hàng khác đang giảm mức tín dụng cho vay nhà đất và khẳng định các khoản nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo thạc sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia phân tích tài chính, trước đây nhiều ngân hàng đã bơm vốn vào thị trường bất động sản, có khi tăng tới 200%.
Sau khi chính sách tín dụng bị thắt chặt, họ thường vượt rào huy động lãi suất cao nhưng dòng tiền vẫn bị thâm hụt. Giờ thị trường đóng băng, các nguồn tiền dài hạn càng khan hiếm hơn.
Mặt khác, đang xuất hiện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chấp nhận vay vốn với lãi cao, bởi tình trạng đáo hạn, nguy kịch về tài chính đã cận kề. Như vậy, nguy cơ nợ xấu sẽ làm suy yếu rất lớn cho hệ thống ngân hàng.
“Ngoài ra, các ngân hàng còn phải đối mặt với tình trạng thế chấp “trùng” thế chấp. Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà ngân hàng mắc phải” - bà Trần Thanh Hoa, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình khẳng định.
Các chủ đầu tư đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn. Sau đó, doanh nghiệp lại ký hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng bán nhà cho khách hàng và họ lại tiếp tục thế chấp vào ngân hàng khác.
Như vậy, một tài sản bị thế chấp tới hai lần làm cho độ rủi ro càng tăng cao trong khi pháp lý ràng buộc lại rất mập mờ. Vì vậy, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì quyền lợi của người mua sẽ khó mà bảo đảm được.
Điều đáng lo ngại hơn là giới kinh doanh địa ốc không phải ai cũng làm ăn bài bản. Một số “đại gia” bất động sản lớn lên từ cò môi giới, số khác “mượn đầu heo nấu cháo”, đầu tư bát nháo, dàn trải...
Nếu ngân hàng nào chịu thế chấp những dự án này thì rất nguy hiểm. Bằng chứng là thị trường khi nóng lúc lạnh thất thường, rất khó kiểm soát.
Giá địa ốc đã bị đẩy lên cao ngất ngưởng để thu lợi, giờ thị trường bị sụt giảm là lúc các “đại gia” đang tìm cách thâu tóm quyền lực làm khuynh đảo, méo mó thị trường.
Đành phải thắt lưng buộc bụng
Các khoản tín dụng mà ngân hàng cho vay dù chỉ bằng 70% tài sản đảm bảo nhưng sự sụt giảm nặng của bất động sản đang làm cho các chủ nhà băng không khỏi giật mình. Các ngân hàng sẽ phải cân nhắc, thận trọng hơn trong việc thẩm định các dự án bất động sản trước khi rót vốn đầu tư.
Một số ngân hàng từng chạy đua bơm vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang lao đao vì tính thanh khoản kém.
“Với mức lãi suất cao ngất ngưởng như hiện nay, cá nhân có nhu cầu cũng không dám vay. Vì nếu vay với lãi suất 21% thì sau năm năm, họ phải trả cả lãi lẫn gốc bằng hai căn nhà” - bà Trần Thanh Hoa, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình cho biết thêm.
Giới đầu tư bất động sản đang phải tự quyết định sự “sống còn” của mình đối với thị trường. Ông Đặng Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi buộc phải thắt lưng buộc bụng, tự xoay sở để cứu mình và chờ đợi. Hiện tại là không mua, không bán và không được vay vốn ngân hàng”.
Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: