Top

Cổ phiếu bất động sản quá nóng

Cập nhật 12/06/2010 09:40

Dù thị trường bất động sản (BĐS) vẫn khó khăn nhưng giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp BĐS khá nóng, thậm chí là động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán trong hơn một năm qua.


Theo lời khuyên của các chuyên gia, nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có dự án đúng tiến độ, nhiều đất sạch... Trong ảnh: căn hộ chung cư cao cấp được xây dựng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM (ảnh chụp ngày 23-3-2010) - Ảnh: Minh Đức

Không ít công ty không có dự án hoặc đã bán hết sản phẩm, chủ yếu chỉ làm môi giới BĐS nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng đều.

Tăng giá chóng mặt


Chọn công ty có dự án, quỹ đất sạch

Một chuyên gia BĐS khẳng định bên cạnh những doanh nghiệp BĐS có tiềm lực về vốn cũng như có quỹ đất tốt, có không ít doanh nghiệp BĐS thuộc loại “thùng rỗng kêu to”. Đó là những doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới hoặc có nhiều dự án nhưng đang nằm dạng... tiềm năng dài hạn do đang trong quá trình giải tỏa đền bù.

Trong báo cáo về triển vọng ngành BĐS vừa công bố đầu tháng 6-2010, các chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán SME khuyến cáo nhà đầu tư chỉ nên bỏ vốn vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn, ổn định, nhiều dự án đang được triển khai và ghi nhận doanh thu trong năm 2010...
Đạt lợi nhuận khá khiêm tốn trong năm 2009 và quý 1-2010 nhưng kể từ khi niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào đầu tháng 2 đến nay, giá cổ phiếu KDH (Công ty CP đầu tư và kinh doanh Khang Điền) tăng khá mạnh. Chào sàn 40.000 đồng/cổ phiếu, có lúc giá cổ phiếu KDH tăng đến 50%. Hiện so với khi chào sàn giá vẫn tăng đến 25%.

Trước đó, khi lên sàn vào cuối tháng 12-2009, cổ phiếu DXG của Công ty CP dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng tăng nóng, dù doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Vì có gần 90% trong số 8 triệu cổ phiếu niêm yết do các cổ đông sáng lập và cổ đông lớn nắm giữ, giá cổ phiếu DXG liên tục tăng mạnh ngay cả vào thời điểm thị trường diễn biến xấu.

Không lâu sau khi chào sàn, cổ phiếu này đã vượt mặt nhiều cổ phiếu kỳ cựu khác về tốc độ tăng giá. Cao nhất có lúc cổ phiếu này tăng hơn 120% so với giá chào sàn. Hiện dù thị trường đang khó khăn nhưng giá cổ phiếu này vẫn cao hơn 80% so với giá chào sàn cách nay nửa năm. Đây chỉ là hai trong số hàng loạt cổ phiếu BĐS trở thành “hiện tượng” sau khi chào sàn.

Vì sao nóng?


Cổ phiếu BĐS tăng giá do đáp ứng được nhu cầu “lướt sóng” của một số nhà đầu tư. Số liệu thống kê của một số tổ chức cho biết khối lượng và giá trị giao dịch nhóm cổ phiếu BĐS luôn dẫn đầu năm ngành có cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trên thị trường trong những tháng đầu năm nay.

Trưởng phòng đầu tư một công ty chứng khoán cho rằng doanh nghiệp BĐS thường có đột biến về lợi nhuận. Chỉ cần có thông tin bán sản phẩm một dự án nào đó với mức lợi nhuận tốt, cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS sẽ nhanh chóng tăng giá.

Cũng có nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu BĐS tăng là nhờ thu hút được vốn từ các nhà đầu tư từng đi mua căn hộ, đất nền. Anh Nguyễn Mạnh Hùng - một nhà đầu tư - cho biết thay vì mua đất nền, căn hộ khó bán, nhà đầu tư đã chuyển sang mua cổ phiếu, dễ bán để thu hồi vốn hơn. Giá đất không biến động, trong khi giá cổ phiếu lên xuống liên tục, dễ kiếm tiền hơn. Đặc biệt đầu tư vào cổ phiếu cần tiền nhiều hay ít cũng dễ dàng bán thu hồi vốn, ngược hẳn với đất, căn hộ không thể “chẻ” ra để bán.

Coi chừng “lành ít dữ nhiều”


Ngược lại với kỳ vọng của nhà đầu tư về xu hướng tăng giá của cổ phiếu BĐS, nhiều chuyên gia lại cho rằng phải cẩn trọng vì thông tin cho thấy ít có khả năng thị trường BĐS lại sốt nóng. Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ BĐS đến cuối tháng 5-2010 chỉ tăng 4,54% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 8%. Ngoài ra, cũng đã có chủ trương giám sát chặt tín dụng BĐS, cộng với lãi suất cao khiến thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn hơn.

Thực tế, một số công ty BĐS đang gặp khó khăn khi bán căn hộ. Giám đốc một doanh nghiệp BĐS có cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán TP.HCM cho biết đang xem xét hủy kế hoạch bán căn hộ tại Gò Vấp do thị trường diễn biến xấu. Trước đó, đầu tháng 5-2010, doanh nghiệp này đã hai lần dời lại kế hoạch bán căn hộ.

Theo một số chuyên gia, ngoài vấn đề liên quan đến tín dụng và lãi suất, hàng loạt vấn đề khác cũng đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS như chính sách mới về giá đất đền bù (chi phí để có đất sạch sẽ cao hơn), thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS...

Số liệu gần đây cho thấy kết quả kinh doanh của một số công ty BĐS trong quý 1-2010 không khả quan, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15-20% kế hoạch năm. Các quý còn lại trong năm cũng không khả quan. Từ số liệu này, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng đổ vốn vào nhóm cổ phiếu BĐS theo kiểu phong trào sẽ “lành ít dữ nhiều”, nếu không chọn mặt gửi vàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ