Top

Giải chấp nhà đất?

Cập nhật 22/09/2008 14:00

Thị trường chìm lắng, lại đang lúc tâm điểm đáo nợ ngân hàng..., nhiều người lo ngại sẽ xảy ra một trận giải chấp đồng loạt trên thị trường bất động sản.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết nhiều người đang lo ngại sẽ xảy ra một cuộc giải chấp bất động sản đồng loạt trong hai, ba tháng tới. Tuy nhiên, điều lo lắng này không có cơ sở.

Theo ông Hạnh, dư luận cứ gộp chung các khoản vay ngân hàng như vay xây căn hộ, cao ốc văn phòng, hạ tầng khu công nghiệp... thành tín dụng bất động sản. Trong khi các khoản vay làm hạ tầng khu công nghiệp, xây cao ốc văn phòng thực ra là phục vụ phát triển kinh tế. Khoản cho vay mua nhà, đất thì đã có phần tài sản khác thế chấp lớn hơn khoản vay rất nhiều. Vì thế, chắc sẽ không có cuộc giải chấp về nhà, đất nào xảy ra - ông Hạnh nói.

Theo công bố dư nợ tín dụng cho vay tám tháng đầu năm của khối ngân hàng, riêng dư nợ tín dụng cho vay bất động sản hạ thấp, chưa tới 9% trên tổng dư nợ cho vay trên toàn hệ thống. Con số này rất thấp so với khoản cho vay nhà, đất của một, hai năm trước. Và thực tế từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản.

Nhận định về việc này, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng Đông Á, cũng cho rằng sẽ khó có chuyện giải chấp trên thị trường nhà, đất. Chẳng hạn như Ngân hàng Đông Á, dư nợ cho vay tín dụng bất động sản đến thời điểm này chỉ chiếm 8,8% trên tổng dư nợ cho vay 24.000 tỷ đồng. Mặt khác, Đông Á cũng như vài ngân hàng khác chỉ cho vay trọn gói với những dự án bất động sản cụ thể chứ không cho vay tràn lan.

Nhận định về ngắn hạn, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho rằng từ đây đến cuối năm kênh bất động sản vẫn xìu. Lý do là rất nhiều ngân hàng đã cho vay đụng ngưỡng tăng trưởng tín dụng 30% nên những tháng cuối năm, ngân hàng có rót vốn cũng chỉ nhằm vào vay thanh toán quốc tế, sản xuất kinh doanh là chính.

Ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long, cũng đồng tình ý kiến này. Theo ông Lương, kênh nhà, đất phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng. Sở dĩ những năm trước thị trường nhà, đất bùng nổ là do ngân hàng rót vốn vào. Trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng đang gặp khó về vốn nên chắc chắn thị trường nhà, đất cũng gặp vạ lây. Dù thuận lợi về giá mua (giá căn hộ tại một số khu vực ở TP.HCM đã giảm 60% so với lúc đỉnh, đầu tháng 2-2008 - PV) nhưng nhà đầu tư bỏ tiền vào đất lúc này phải đợi thêm một, hai năm nữa mới có lợi nhuận.

www.DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP