Top

Việt kiều mua nhà trong nước - Quy định còn ngặt nghèo

Cập nhật 08/06/2009 09:15

Trong buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội mới đây về sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai, liên quan đến các điều kiện cho Việt kiều được mua nhà trong nước. Từ TPHCM, khá nhiều người, trong đó có Việt kiều, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) đều cho rằng, không phải “mở cửa” là bà con Việt kiều sẽ rầm rộ mua nhà, hoặc sẽ kinh doanh nhà đất.

Ngại vì nhiêu khê và bó buộc

Giáo sư Hà Tôn Vinh đã làm công tác giảng dạy tại Việt Nam 12 năm. Hiện ông đang thuê căn hộ tại quận 1 TPHCM để ở với mức trả 1.000 USD/tháng. Theo các quy định hiện nay thì ông Vinh chưa thuộc diện được mua nhà, vì ông không có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng, nếu thuộc diện được mua, ông cũng không mua, vì còn quá nhiều thứ ràng buộc khiến ông thấy phiền hà, bất tiện.

“Muốn mua được nhà, chắc chắn phải làm hàng loạt các giấy xác nhận. Mà như vậy thì vẫn còn quá nhiêu khê”, ông Vinh nói. Ông đơn cử như nhà khoa học, người có công… chắc chắn phải có giấy xác nhận, mà xác nhận thì phải có tiêu chí. Đây là điểm vướng. “Có thời kỳ còn phải đến Chủ tịch nước xác nhận, như thế thì nhiêu khê quá!”.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều cho rằng, trong CLB của ông, không phải người nào cũng muốn mua nhà, bởi các quy định quá ngặt nghèo. “Quy định mua nhà chỉ để ở chứ không được đầu tư. Mà thế nào là đầu tư thì không giải thích rõ, mà không rõ thì không được bán là cái chắc”, ông Mỹ nhận xét.

“Ví dụ người mua ở nhưng sau đó cần tiền làm ăn hoặc không có nhu cầu nữa, bán thì có cho là đầu tư không? Nếu cho rằng đó cũng là đầu tư, thì có nghĩa mua nhà rồi là không được phép bán. Mà như vậy thì đâu có mua làm gì”, ông Mỹ đặt vấn đề. Theo ông Mỹ, nếu nhà mua mà không được bán, không được cầm cố thế chấp và nếu giải tỏa không được bồi thường, thì không khác gì nhà trong khu quy hoạch (?!).

Về thuê nhà, căn hộ mà ông Hà Tôn Vinh thuê khá khang trang, thuộc loại căn hộ cao cấp. Ông Vinh nói rằng, nếu cộng số tiền 12 năm thuê nhà thì ông đã có thể mua được một ngôi nhà. Tuy nhiên, ông cũng không hề cho rằng số tiền thuê nhà như vậy là bị mất đi.

Theo ông Vinh, ở nước ngoài, điều kiện làm việc khiến phải di chuyển liên tục, người ta cũng đã quen với việc thuê nhà để ở. Chỉ những người có nhu cầu thiết thực mới mua nhà, còn lại không phải tất cả Việt kiều đều muốn mua. Khác với thói quen của người Việt Nam, xem căn nhà là tài sản hàng đầu, người nước ngoài lại chú tâm vào việc dành vốn để kinh doanh và lấy thu nhập thuê nhà ở. “Nếu mua một ngôi nhà thì bỏ hết tiền vào đó sẽ không còn vốn làm ăn nữa. Trong khi đó, nếu không cho thế chấp, cầm cố để lấy vốn làm ăn, thì người ta chẳng mua nhà làm gì”, ông Vinh nói.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt kiều, ông Phan Thành, cũng cho rằng, kể cả nếu Nhà nước “mở toang cánh cửa”, không phải Việt kiều ai cũng mua nhà. “Thực tế không phải Việt kiều nào cũng nhiều tiền. Đồng tiền đem về nước là đồng tiền chắt chiu. Bà con Việt kiều chỉ mong mua được căn nhà để ở và làm ăn ổn định hoặc an dưỡng cuối đời là đủ. Không ai nhiều tiền để mua ba bốn, năm bảy căn nhà cả”, ông Thành nói. Ông Thành cho rằng, e ngại Việt kiều kinh doanh BĐS đến mức làm méo thị trường là quá lo xa.

Không thể làm méo thị trường

“Không phải ai cũng kinh doanh BĐS như ta lo ngại. Thực tế, kinh doanh BĐS ở Việt Nam hiện nay không dễ. Nếu dễ, thì người ta đã có cách để làm, ví dụ mở công ty, liên kết với doanh nghiệp trong nước, chứ không chờ đến lúc cho mua nhà”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt kiều nhận định.

Kể cả các nhà kinh doanh BĐS trong nước cũng cho rằng, việc mua đi bán lại vài căn nhà cũng không dễ làm méo thị trường BĐS. “Tôi kinh doanh BĐS nhưng tôi không sợ bị cạnh tranh trong chuyện này. Thực tế, chi phối chính thị trường là các nhà đầu tư trong nước, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và phát triển nhà Thủ Đức (ThuducHouse) nói.

Theo ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, nếu kinh doanh BĐS, thì giai đoạn hiện tại mua nhà bên Mỹ để đầu cơ có khả năng thắng lợi hơn. Hiện một căn nhà 85 ngàn đến 100 ngàn USD tại Mỹ có hai lầu, bể bơi, cho thuê 1.200 USD/tháng. Vì vậy, đã có một số người Việt Nam sang Mỹ mua nhà để chờ cơ hội nền kinh tế phục hồi, bán sẽ có giá.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho rằng, việc mở rộng cửa cho bà con Việt kiều mua nhà, chỉ đem lại cái lợi. Ít nhất là kéo đô la về. Bà con Việt kiều về tiếp tục tiêu tiền, sử dụng dịch vụ, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Hoàng cũng cho rằng, làm méo thị trường BĐS là hành vi tích tụ đất, đầu cơ, nâng giá. Điều đó chỉ những đơn vị kinh doanh lớn và giới phân phối trong nước mới chi phối được.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng