Top

Tổng kết thị trường từ ngày 12 đến ngày 18/6/2009

Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhiều nhà

Cập nhật 22/06/2009 10:15

Với 87,02% tổng số đại biểu bỏ phiếu thuận, hôm 18.6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai. Theo đó sẽ có thêm nhiều đối tượng người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà trong nước kể từ ngày 1.9.2009.

So với quy định hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai bổ sung thêm ba nhóm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, đó là: “người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”. Theo Luật, những trường hợp người còn quốc tịch Việt Nam, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Các trường hợp người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước, nếu được được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì cũng có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Như vậy có thể hiểu, những người định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch VN sẽ được cùng lúc sở hữu nhiều nhà. Báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định: “Về nguyên tắc cần có sự phân biệt về quyền được sở hữu nhà ở giữa các nhóm đối tượng, cũng như giữa các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người đang sinh sống ở trong nước”. Báo cáo làm rõ hơn: “Một nhà đầu tư trực tiếp, có dự án đầu tư ở TP.Hà Nội và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nếu có nhu cầu nhà ở riêng thì có thể được mua và sở hữu nhà ở cả 2 địa phương trên”. Tương tự, một nhà khoa học làm việc cho cơ sở khoa học tại TP.Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng nếu có nhu cầu nhà ở riêng thì cũng có thể được mua nhà ở tại 2 địa phương trên. Theo báo cáo của Chính phủ hiện có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch VN.

So với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai do Chính phủ trình ở đầu kỳ họp (DiaOcOnline đã từng có bài bình luận), QH đã quyết định mở rộng thêm quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại VN, đó là được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật VN. Ngoài ra, người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại VN còn có các quyền khác như: Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, đổi, để thừa kế nhà ở; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; cho thuê, uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không dùng để ở cho bản thân và gia đình.

Thị trường bất động sản sẽ bị tác động như thế nào?

Theo báo cáo của Chính phủ thì việc Quốc hội thông qua Luật này có thể có tác động đến thị trường bất động sản ở trong nước. Nhưng do hiện nay nguồn cung về nhà ở trong nước khá lớn, qua thống kê về tình hình phát triển nhà ở trong 5 năm trở lại đây cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước xây dựng được khoảng 37 triệu m2 nhà ở, riêng năm 2008 cả nước xây dựng được khoảng 50 triệu m2, trong đó tại đô thị là 28 triệu m2, riêng tại TP.HCM mỗi năm xây dựng được khoảng 5-6 triệu m2, riêng tại TP.Hà Nội xây dựng được khoảng gần 2 triệu m2. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khi Luật này được ban hành thì không phải tất cả hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều có thể mua nhà ở tại Việt Nam, mà chỉ có số đối tượng có nhu cầu, thực sự có năng lực tài chính và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới có thể mua được nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở như các Luật về thuế (gồm Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp), Luật Kinh doanh bất động sản và trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật thuế nhà, đất nên sẽ có đủ công cụ thể hạn chế các hành vi mua, bán nhà ở để kiếm lời. Theo đó, nếu chủ sở hữu có hành vi kinh doanh như mua, bán, cho thuê nhà ở thì phải đăng ký kinh doanh và nộp các loại thuế cho Nhà nước. Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong Luật cũng đã ghi rõ là Việt kiều chỉ được “sở hữu nhà để bản thân và gia đình sinh sống tại Việt Nam”. “Theo đó, Chính phủ sẽ phải quy định cụ thể các điều kiện khi chủ sở hữu được bán hoặc cho thuê nhà ở, điều này sẽ hạn chế đối với việc lợi dụng chính sách để đầu cơ, mua đi, bán lại kiếm lời”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.

Lê Đình - DiaOcOnline.vn