Top

Kiều bào có thể mua nhiều hơn một nhà

Cập nhật 19/06/2009 10:30

Từ ngày 1/9, một nhà đầu tư trực tiếp là Việt kiều có dự án đầu tư ở Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu có thể được mua và sở hữu nhà ở tại cả hai địa phương trên.

Với đa số đại biểu (ĐB) tán thành, sáng 18/6, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai. Cũng trong sáng 18/6, các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam (VN) ở nước ngoài cũng đã được QH thông qua.

Nhà nước thu hồi đất, kiều bào được bồi thường

Khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở (đã được sửa đổi, bổ sung) không quy định cụ thể số lượng nhà ở trong nước mà một số đối tượng là người VN định cư ở nước ngoài có thể được mua, mà chỉ quy định người mua có quốc tịch VN hoặc người gốc VN thuộc diện về nước đầu tư trực tiếp theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của VN có nhu cầu và đang làm việc tại VN; người có vợ hoặc chồng là công dân VN sinh sống trong nước.

Ngoài ra, để sở hữu nhà ở trong nước, các đối tượng trên phải đáp ứng điều kiện được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú từ 3 tháng trở lên. “Cách thể hiện tại khoản 1 Điều 126 tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi, tin tưởng cho bà con kiều bào”, Ủy ban Thường vụ QH nhận định. Cũng theo Ủy ban Thường vụ QH, việc hạn chế nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời sẽ được điều chỉnh bằng các quy định về chính sách thuế và giao dịch bất động sản.

 

Từ ngày 1/9, sẽ có thêm nhiều đối tượng kiều bào được sở hữu nhà ở trong nước.
Ảnh: Trung Kiên

 

Trong dự án luật vừa được thông qua, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai (quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN) theo hướng bổ sung thêm quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.

Không được cấp tần số vẫn vô tư “phát”

Chiều cùng ngày, thảo luật về dự án Luật Tần số vô tuyến điện, Tổng giám đốc Đài Truyền hình VN Vũ Văn Hiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thực hiện luật này (khi được thông qua) trên thực tế như thế nào. “Tần số cần sự quản lý rất chặt chẽ bởi nó không chỉ là liên quan đến thương mại thông thường mà gắn với an ninh quốc gia, gắn với việc thông tin tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như gắn với trật tự, an ninh xã hội”, ông Hiến nói. Cũng theo ông Hiến, chính việc quản lý không chặt chẽ tần số trong thời gian qua đã tạo ra sự bùng nổ hỗn loạn về phát triển phát thanh, truyền hình. “Việc một số cơ quan truyền thông đã “phát” khi chưa được cấp tần số, không theo đúng chủ trương quy hoạch của Thủ tướng về chiến lược truyền dẫn và trái với xu hướng chung của truyền hình, là đỉnh điểm của sự vi phạm”, ông Hiến bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện có nhiều đơn vị viễn thông cho dựng các cột ăng - ten trên nóc nhà dân làm bà con xung quanh rất hoang mang, lo lắng về sức khỏe. Mặc dù Bộ Thông tin – Truyền thông ra văn bản cam kết đã nghiên cứu và thấy sóng điện từ này không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhưng bà con vẫn băn khoăn. Do đó, quy định về an toàn bức xạ phải cụ thể hơn để đáp ứng yêu cầu của người dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đất Việt