Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Dự kiến từ tháng 1-2009, Nghị quyết trên sẽ có hiệu lực. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đang khẩn trương soạn thảo hướng dẫn thực hiện. Trong quý III-2008, sẽ xong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ. PV đã trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam về vấn đề này.
* Việc cho người nước ngoài sở hữu nhà có tác động đến thị trường bất động sản không, thưa ông?
Tác động của Nghị quyết trong năm nay ở mức độ không lớn vì thời gian có hiệu lực còn hơn nửa năm nữa. Thứ hai, đối tượng cho mua cũng hạn chế, chỉ dừng ở 5 loại đối tượng với khoảng 10.000 người, mỗi người chỉ được mua 1 căn hộ chung cư. Trong số dự báo này, chưa chắc tất cả đã có nhu cầu mua. Do đó, khả năng kích cầu chỉ có mức độ. Có thể sau này, khi mở rộng đối tượng và điều kiện mua, những tác động tới thị trường sẽ lớn hơn.
* Vậy nghị quyết này mang lại lợi ích gì?
Chính sách này góp phần cải thiện môi trường đầu tư, qua việc tạo điều kiện cho những người trực tiếp đầu tư, quản lý các doanh nghiệp ăn ở, làm việc ổn định tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người mua nhà là những người có khả năng tài chính nên sẽ thúc đẩy cầu trên thị trường bất động sản về lâu dài. Thời điểm hiện tại, cầu đang cao hơn cung, song về trung hạn và dài hạn, cung sẽ nhanh chóng tăng lên bởi tốc độ đô thị hóa rất cao.
* Theo ông sẽ có đầu cơ như nhiều người lo ngại không?
Đầu cơ thì không chỉ có ở bất động sản mà có ở mọi lĩnh vực khác khi cung và cầu không cân bằng. Đầu cơ thường xảy ra khi cung thấp, cầu cao. Do đó, điều quan trọng nhất trong việc chống đầu cơ là phải có dự báo, quy hoạch làm sao cân đối được cung cầu. Trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà, tôi cho là quy định đã rất chặt chẽ nên rất khó xảy ra đầu cơ. Mỗi người chỉ được sở hữu 1 nhà, muốn mua cái khác phải bán cái đang có trong tay.
Giả sử việc đầu cơ có xảy ra khi anh mua đi bán lại liên tục thì số lượng cũng rất thấp, khó ảnh hưởng tới bình diện chung. Sắp tới, khi nguồn cung tăng, cộng thêm việc công khai thông tin về thị trường và quy định giao dịch nhà đất phải thông qua sàn giao dịch, giá cả sẽ ổn định và đúng giá trị thực của nó.
* Theo quy định, người nước ngoài được mua nhà ở dự án thương mại, vậy người dân có được chuyển nhượng cho người nước ngoài không?
Đây là việc mới, có tác động nhiều mặt tới kinh tế, xã hội, an ninh... nên phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, thay đổi chính sách cho phù hợp với điều kiện chung. Theo quy định, người nước ngoài chỉ được mua căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở thương mại chứ không quy định mua từ ai hoặc chỉ được mua của doanh nghiệp nên người dân có căn hộ của dự án, có quyền chuyển nhượng cho người nước ngoài khi có nhu cầu.
* Chính sách nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra đời gần 8 năm song chỉ có ít người mua được nhà. Liệu chính sách nhà ở cho người nước ngoài có lặp lại điều đó?
Chính sách cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà cũng là quy định mới nên hướng thực hiện phải rất chặt chẽ. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa tốt nên số người mua nhà không nhiều. Rút kinh nghiệm, trong quá trình soạn thảo chính sách cho người nước ngoài mua nhà, Bộ Xây dựng có tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan nên Nghị quyết đã khá chi tiết về mặt thủ tục.
Đồng thời, trong giai đoạn này, quy định về cư trú, cấp phép và nhiều quy định khác cũng đã được cải thiện rất nhiều, khác hẳn cách đây 8 năm khi cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà, nên thủ tục sẽ không có vướng mắc lớn.
Riêng chính sách nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ cũng đang soạn thảo sửa đổi, điều chỉnh và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 6-2008, với việc nới rộng đối tượng và thủ tục. Hầu hết người Việt Nam định cư ở nước ngoài gần như có đủ quyền mua và sở hữu nhà như người trong nước.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: