Top

Không nên quá băn khoăn

Cập nhật 28/05/2008 14:00

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao về chính sách này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về một số quy định chưa rõ tại văn bản này. Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam để làm sáng tỏ những băn khoăn của bạn đọc.

* Thưa ông, vì sao một số đối tượng người nước ngoài lại không có trong Nghị quyết của Quốc hội so với bản dự thảo mà Bộ Xây dựng trình?

Có 3 đối tượng người nước ngoài theo dự thảo được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng bị loại ra khỏi Nghị quyết của Quốc hội. Thứ nhất là trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Lý do là vì theo khảo sát, thì nhu cầu về nhà ở của đối tượng này không có. Hầu hết các trưởng đại diện này làm việc theo nhiệm kỳ và vấn đề nhà ở đã có tiêu chuẩn do nước đó sắp xếp rồi. Hơn nữa, đây là đối tượng được miễn trừ ngoại giao, nên sẽ rất phức tạp trong vấn đề quản lý.

Đối tượng thứ hai là công dân danh dự thì hiện nay Việt Nam chưa có bất kỳ một văn bản pháp quy nào đề cập đến đối tượng này. Vì vậy, sắp tới khi xây dựng dự án Luật Cư trú, nếu có đề cập đến đối tượng này thì sẽ quy định luôn cả trách nhiệm và quyền lợi của họ, trong đó có vấn đề nhà ở.

Đối tượng thứ ba là người cư trú lâu năm ở Việt Nam từ 5 năm trở lên. Trên thực tế hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, đối tượng này đã có nhà ở, thậm chí còn dùng để kinh doanh nữa, mà chủ yếu không phải nhà ở chung cư, nên có đưa đối tượng này vào cũng không phù hợp.

* Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra băn khoăn khi họ chỉ được sở hữu căn hộ theo quy định này trong 50 năm, nhưng những dự án đầu tư của họ theo Luật Đầu tư có thể được gia hạn và kéo dài hơn 50 năm. Trong trường hợp này, quyền lợi của họ được giải quyết ra sao?

Trong Nghị quyết của Quốc hội đã quy định rất rõ, đối với những đối tượng là cá nhân nước ngoài thì được sở hữu 1 căn hộ trong 50 năm. Quy định này cũng phù hợp với tuổi thọ của các công trình này theo quy định của Việt Nam.

Còn đối với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ được mua và sở hữu căn hộ cho cán bộ, công nhân của họ, trong đó bao gồm cả người Việt Nam làm việc trong DN đó, thì thời hạn sở hữu nhà được quy định theo thời hạn của giấy phép đăng ký kinh doanh. Khi giấy phép này được gia hạn thì quyền sở hữu của đối tượng này cũng sẽ được điều chỉnh theo thời gian của dự án.

* Một quy định nữa là đối với người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam cũng sẽ được sở hữu căn hộ chung cư trong vòng 50 năm. Vậy nếu thời gian của cuộc hôn nhân đó kéo dài hơn 50 năm thì sao, thưa ông?

Sở dĩ chúng tôi đưa ra đối tượng người nước ngoài khi kết hôn với công dân Việt Nam cũng được quyền sở hữu nhà ở nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của cả vợ lẫn chồng trong việc sở hữu khối tài sản chung, tránh những tranh chấp trong thực tế đã từng xảy ra thời gian qua. Khi người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, khi mua căn hộ sẽ được đồng đứng tên chủ sở hữu.

Còn quy định quyền sở hữu là 50 năm thì thực ra là đối với nhà chung cư, như tôi đã nói ở trên chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm. Trong 50 năm đó, họ có thể bán cái nhà cũ đi mua nhà mới thì căn hộ mới đó lại được quyền sở hữu trong 50 năm nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, sẽ không có vướng mắc gì về quyền lợi trong trường hợp này.

* Nhưng nếu sau 50 năm họ cũng không có điều kiện để mua căn hộ mới thì quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng?

Thứ nhất, đây là chính sách thí điểm, cho nên, về thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam là phù hợp với tuổi thọ của chung cư và thông lệ chung trên thế giới. Mặc dù thời hạn sở hữu là 50 năm, nhưng trên thực tế chính sách thí điểm này cũng chỉ áp dụng trong thời hạn 5 năm. Có nghĩa là sau 5 năm, các chính sách này có thể sẽ được thay đổi, mà thường thay đổi theo hướng tích cực hơn, mở rộng hơn. Vì vậy, theo tôi cũng không nên quá băn khoăn về những quy định trong Nghị quyết này.

Theo Báo Đầu Tư