Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký Lệnh công bố Nghị quyết số 1037 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-9-2006, với nguyên tắc đặt ra là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà ở và các bên tham gia giao dịch. Báo SGGP xin giới thiệu một số quy định cơ bản của Nghị quyết.
Bên cho thuê được lấy lại nhà trong mọi trường hợp
Trong trường hợp bên cho thuê nhà là Việt kiều, bên thuê nhà ở thường trú tại Việt Nam, nếu thời hạn thuê nhà theo hợp đồng đã hết trước ngày 1-9-2006 thì hai bên có thể thỏa thuận việc tiếp tục thuê nhà ở (theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005).
Nếu không thỏa thuận được thì giải quyết như sau: trường hợp bên thuê đã có chỗ ở khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 6 tháng. Trường hợp bên thuê không có chỗ ở, thì bên cho thuê vẫn được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 12 tháng.
Trường hợp đến ngày 1-9-2006, mà thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn còn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày hết thời hạn thuê, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 6 tháng. Trường hợp thời hạn thuê nhà ở không được xác định trong hợp đồng, và các bên không có thỏa thuận khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 24 tháng.
Cho mượn nhà ở: lấy lại nhà muộn nhất sau 24 tháng Trường hợp bên cho mượn, cho ở nhờ là Việt kiều; bên mượn, bên ở nhờ thường trú tại Việt Nam: nếu thời hạn cho mượn, cho ở nhờ theo hợp đồng đã hết trước ngày 1-9-2006 thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít nhất 6 tháng.
Trường hợp đến ngày 1-9-2006 mà thời hạn cho mượn, cho ở nhờ theo hợp đồng vẫn còn thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà kể từ ngày hết thời hạn cho mượn, cho ở nhờ, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít nhất 6 tháng.
Trường hợp thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở không được xác định trong hợp đồng thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít nhất 6 tháng.
Trong trường hợp bên mượn, bên ở nhờ không có chỗ ở khác, hoặc không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác thì các bên thỏa thuận việc tiếp tục cho mượn, cho ở nhờ nhà ở (theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005); nếu không thỏa thuận được thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít nhất 24 tháng.
Áp dụng giá thị trường tại thời điểm thanh toán
Trường hợp bên mua nhà ở là Việt kiều, bên bán nhà ở thường trú tại Việt Nam, nếu không có tranh chấp về hợp đồng và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất thì các bên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Trường hợp có tranh chấp về hợp đồng, và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất thì giải quyết như sau: nếu bên mua đã trả đủ tiền, mà bên bán chưa giao nhà, thì các bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Nếu bên mua chưa trả đủ tiền, mà bên bán đã giao nhà, thì bên mua phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Nếu bên mua chưa trả đủ tiền, mà bên bán chưa giao nhà thì bên bán phải giao nhà cho bên mua, và bên mua phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu, tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp thủ tục chuyển quyền sở hữu đã hoàn tất, nhưng bên bán chưa giao nhà ở, hoặc bên mua chưa trả đủ tiền thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu bên mua chưa trả đủ tiền thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu, tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Trường hợp bên bán nhà ở là Việt kiều, bên mua nhà ở thường trú tại Việt Nam hoặc bên mua nhà ở và bên bán nhà ở đều là Việt kiều, cách giải quyết cũng tương tự như trên.
Ủy quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn ủy quyền đã hết trước ngày 1-9-2006 thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 6 tháng.
Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu đến ngày 1-9-2006 mà thời hạn ủy quyền vẫn còn, thì chủ sở hữu được lấy lại nhà ở, kể từ ngày hết thời hạn ủy quyền, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 6 tháng.
Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn ủy quyền không xác định thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 12 tháng.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xác lập quyền sở hữu nhà ở khi có các giấy tờ sau đây:
1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
2. Bản sao một trong các giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất ở được quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.
3. Sơ đồ nhà ở, đất ở.
4. Trích lục hoặc bản sao bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc giải quyết tranh chấp về nhà ở, nếu có.
5. Bản sao giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
6. Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu nước ngoài hợp lệ.
7. Có một trong các giấy tờ sau đây:
- Hợp đồng cho thuê nhà ở đối với trường hợp cho thuê nhà ở;
- Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở đối với trường hợp cho mượn, cho ở nhờ nhà ở;
- Hợp đồng mua bán nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở;
- Hợp đồng tặng cho nhà ở đối với trường hợp tặng cho nhà ở;
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nhà ở hoặc di chúc theo quy định của pháp luật;
- Hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở đối với trường hợp ủy quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân;
- Văn bản trả lại nhà ở đối với trường hợp cơ quan, tổ chức trả lại nhà ở.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: