Top

Hơn 100 Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam

Cập nhật 11/07/2006 16:00

Theo Luật Nhà ở vừa có hiệu lực ngày 1/7, Việt kiều về cư trú từ 6 tháng trở lên được phép mua nhà. Một số kiều bào vui mừng như mở cờ trong bụng, song không ít người băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Gần 5 năm sau Nghị định 81/CP, mới hơn 100 trường hợp Việt kiều mua được nhà ở quê hương.

Trao đổi với báo giới, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại Tp.HCM (BAVIK) Nguyễn Chơn Trung khẳng định, lượng Việt kiều hồi hương và mua được nhà ở trong nước đã tăng nhanh từ năm ngoái đến nay.

Số liệu của BAVIK cho thấy, trong 4 năm từ 2001 đến 2004, mới có 56 trường hợp mua nhà tại Việt Nam. Thế nhưng chỉ 2 năm qua, số mua được nhà đã tăng gần gấp đôi, nâng tổng số lên hơn 100 trường hợp. "Đây là dấu hiệu cho thấy thủ tục mua nhà đã được cải thiện hơn, thị trường cũng thu hút nhiều kiều bào về nước mua nhà định cư", ông Trung nhận xét.

Song bà Nguyễn Thị Thọ, Phó chủ nhiệm BAVIK cho rằng, số Việt kiều đã mua được nhà còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Trong đó, cái vướng lớn nhất là thủ tục hồi hương và quy định xác nhận quốc tịch Việt Nam tại cơ quan Tư pháp vẫn chưa được tháo gỡ đáng kể.

"Những thủ tục này rất nhiêu khê nên nhiều người ngán ngại, đành bỏ cuộc", bà Thọ nói. Do đó, bà Thọ cho biết, nhiều kiều bào đang chờ đợi Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật nhà ở với kỳ vọng tháo gỡ được những cái vướng hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty VietEuro, kiều bào tại Pháp, cho biết ông rất mừng vì Luật Nhà ở mở cửa thông thoáng hơn cho Việt kiều được mua nhà. Song ông đang chờ đợi và lo ngại các hướng dẫn thi hành lại tiếp tục đưa ra những điều kiện mới cho trường hợp người có visa thời hạn tạm trú ở Việt Nam 6 tháng trở lên.

Cả bà Nguyễn Thị Thọ cũng thừa nhận, thông thường so với Luật thì Nghị định hướng dẫn triển khai đều quy định thêm những điều kiện cụ thể để thực hiện. Chính những điều kiện này có thể vô hình trung lại chồng thêm các thủ tục khó khăn trói buộc người mua nhà.

Ông Hồng Lê Thọ, Việt kiều ở Nhật, nhận xét tiêu chuẩn cư trú 6 tháng trở lên trong Luật Nhà ở có thể gây nhiều rắc rối nếu không được các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn. "Cần phải giải thích về thời hạn, cũng như quy định rõ việc công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong các văn bản hướng dẫn tiếp theo", ông Thọ nói.

Trong khi đó ở khía cạnh của nhà kinh doanh bất động sản, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu đặt vấn đề về bảo lưu quyền sở hữu nhà ở của Việt kiều khi trở lại nước mà họ cư trú. Ông Châu đề nghị các hướng dẫn triển khai Luật Nhà ở phải quy định rõ những chi tiết này để đỡ vướng mắc khi đưa luật vào cuộc sống.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt kiều Nguyễn Trọng Nguyễn ước tính, trong số 3 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài có khoảng 100.000 người có nhu cầu hồi hương và mua nhà trong nước. Trị giá ngôi nhà trung bình chừng 100.000 USD trở lại.

Còn ông Phùng Văn Bảy, Giám đốc Công ty Tân An Nam, một trong 4 người đầu tiên được BAVIK trao giấy xác nhận gốc Việt Nam khi cơ quan này được UBND Tp.HCM ủy quyền cấp giấy hồi đầu năm nay, cho rằng, 2/3 Việt kiều về nước sẽ mua nhà ở mức giá 30.000 USD/căn.

Theo quy định của Luật Nhà ở, ngoài 4 trường hợp Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam xác định tại Nghị định 81/CP là kiều bào về nước đầu tư lâu dài; người có công với nước; Việt kiều là trí thức, chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên, có thư mời chính thức của các cơ quan Nhà nước; Việt kiều hồi hương; thêm trường hợp Việt kiều về Việt Nam cư trú có thời hạn 6 tháng trở lên cũng được phép sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ.

Những trường hợp trên được cấp giấy hồng như công dân trong nước. Hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp giấy, bản sao giấy phép đầu tư xây dựng và giấy tờ xác nhận đối tượng thuộc diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, sơ đồ nhà ở.

Theo VnExpress

CÁC TIN KHÁC