Có 3 triệu Việt kiều đang sinh sống ở gần 100 nước trên thế giới. Thế nhưng, từ khi Nhà nước cho phép Việt kiều mua nhà trong nước thì 5 năm qua mới chỉ có 100 người mua. Một con số lớn hơn rất nhiều đã đi mua “chui”. Phải chăng Việt kiều sợ bị đánh thuế?
Muốn mua cũng không được
Mãi cuối năm 2001, Chính phủ mới ban hành Nghị định 81 cho phép 4 nhóm Việt kiều được mua nhà ở tại Việt Nam. Đó là: người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ chỉ được mua một nhà để ở.
Phải nói ngay là số trên không nhiều. Còn người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam là sao thì... quy định chẳng nói rõ!
Năm 2003, Luật Đất đai mở thêm cho một số đối tượng khác và dành quyền quyết định cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nhưng cụ thể là những đối tượng nào thì đến giờ vẫn là... ẩn số.
Đến năm 2005, Luật Nhà ở (có hiệu lực vào 1-7-2006) rõ ràng hơn khi cho phép Việt kiều về Việt Nam cư trú từ sáu tháng trở lên cũng được mua nhà. Nhưng, quy định này lại mỗi nơi hiểu một phách. Có cơ quan hiểu chỉ cần được thị thực cấp 6 tháng trở lên, nhưng cũng có cơ quan hiểu là phải thực sự cư trú ở Việt Nam đủ sáu tháng.
Ngoài ra, với những Việt kiều được cấp hộ chiếu Việt Nam (tức không cần thị thực nhập cảnh), căn cứ vào đâu để xác định họ đã cư trú ở Việt Nam ít nhất 6 tháng? Mặc dù Bộ Công an đã giải thích là chỉ cần visa ghi thời hạn cư trú ở Việt Nam 6 tháng, song trong thực tế, khi đến UBND quận huyện để xét hồ sơ xin mua nhà, Việt kiều dạng này vẫn bị “lắc” do “chưa có hướng dẫn cụ thể”.
Bốn nhóm Việt kiều cũ cũng vậy. Do Luật Nhà ở (có hiệu lực cao hơn Nghị định 81) không nói mỗi Việt kiều chỉ được sở hữu một nhà nên các Việt kiều theo quy định trong Nghị định 81 mặc nhiên hiểu là có thể mua nhiều nhà.
Tuy nhiên, thực tế ở TP.HCM (nơi đông Việt kiều muốn mua nhà nhất), các phòng công chứng địa hạt khi công chứng xong hồ sơ mua nhà của Việt kiều nào đều ngay lập tức gửi thông báo cho các phòng công chứng khác nói rõ ông A đã mua 1 ngôi nhà rồi. Coi như một cách “dặn” nhau rằng đừng công chứng hợp đồng mua nhà nào khác của ông A nữa. Hỏi thì họ bảo phải chờ. Còn chờ cái gì thì… không biết!
Tóm lại, quán tính công chức “Luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” hướng dẫn, cộng với vài câu chữ trong luật chưa hoàn toàn minh bạch đã khiến những quy định trong Luật Nhà ở-mặc dù tiến bộ hơn - vẫn bị vô hiệu hoá.
Vậy nên, theo ước tính của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, sau gần năm năm thi hành Nghị định 81, chỉ có khoảng 100 Việt kiều được mua nhà ở. Con số mua “chui”, nhờ đứng tên giùm, khá nhiều. Và ai cũng biết, Nhà nước mất đi khoản thuế không nhỏ.
Được mua, chưa chắc được làm chủ
Mua được nhà đã không dễ, muốn làm chủ nhà càng gian nan hơn. Theo quy định cũ, Việt kiều chỉ có một số quyền nhất định, như được ở, được bán, tặng- cho, thế chấp hoặc được để thừa kế. Nhưng không được cho thuê.
Thành ra, có Việt kiều mua nhà ở quận 1 nhưng do công việc phải thường xuyên ở quận 7 thì nhà quận 1 hoặc phải bỏ trống hoặc cho thuê “lụi” (không có giấy tờ). Luật Nhà ở - tức quy định mới đã gỡ điểm này, song vẫn căn bệnh chờ hướng dẫn khiến nhiều nơi chưa dám động đậy gì.
Về thừa kế, nếu người được hưởng thừa kế nhà lại là Việt kiều thì đúng là không lối thoát. Nếu nằm ngoài 5 nhóm được mua nhà thì người được hưởng thừa kế chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó. Tức là, cái nhà trị giá 5 tỉ, anh chỉ được lấy 5 tỉ bằng tiền. Nhưng muốn có tiền phải bán nhà, mà không có quyền sở hữu thì làm sao bán?
Sở Tài nguyên và môi trường TP đã từng đề nghị cứ cho họ bán sau khi đã đăng ký quyền hưởng giá trị nhà thừa kế. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng chấp thuận cho họ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có nhà trên đó).
Nhưng đó là “đất”, còn phần “nhà” lại do Bộ Xây dựng quản, chưa kể đến Bộ Tư pháp cũng có quyền ra các quy định phối hợp, nên một thân bị chia 5 xẻ 5, chưa biết tới đây, số phận căn nhà của Việt kiều sẽ được quyết định thế nào?
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: