Tính đến 31/8, huyện Từ Liêm đã cấp được gần 45.000 giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và vườn ao liền kề khu dân cư nông thôn.
Năm 2007, mặc dù Thành phố không giao chỉ tiêu, nhưng 8 tháng qua, huyện đã cấp được 3.572 GCN, đạt 51% kế hoạch cả năm (trong đó cấp theo Nghị định 61/CP được 957 giấy, cấp mới trong khu dân cư và các dự án 1.816 giấy, cấp biến động 799 giấy). Huyện cũng đã tổ chức đo vẽ hiện trạng nhà đất cho 182 đơn vị hành chính sự nghiệp và trình cấp GCNQSDĐ cho 106 đơn vị.
Theo bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng phòng TNMT&NĐ huyện, tốc độ đô thị hoá nhanh cũng gây nên áp lực lớn trong tiến độ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn. Trong khi đó, biên chế của phòng chỉ có 11 người và hơn 10 hợp đồng, phụ trách rất nhiều phần việc từ khảo sát, đánh máy hồ sơ đến xử lý những giấy tờ liên quan...
Bên cạnh đó, sự thay đổi về chính sách quanh việc cấp "sổ đỏ" và hạn mức chuyển nhượng... dẫn đến số lượng đơn thư khiếu kiện ngày càng tăng cũng luôn đặt những người làm công tác xử lý vào tình huống khó xử. Ví dụ: Một hộ gia đình nông dân có 90m2 đất muốn chia đều cho 2 người con ra ở riêng và xin cấp lại thành 2 sổ nhưng chính quyền địa phương không thể giải quyết được vì quy định hạn mức cho mỗi sổ tối thiểu phải là 50m2.
Một vấn đề nan giải nữa trong công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn là hơn 1.000 hộ dân ven sông Nhuệ nằm trong hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố nên chưa được cấp GCN.
Về vướng mắc này, Ông Trịnh Kiên Đĩnh, Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ cho rằng, về phía ngành có thể xem xét cấp nếu chứng minh được dân ở trước khi có quy định bảo vệ hành lang các công trình thuỷ lợi. Nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại phản đối. Đây là thực tế không chỉ có ở Từ Liêm mà trên địa bàn toàn thành phố còn có khoảng 27.000 trường hợp bất khả kháng chưa thể cấp "sổ đỏ", do chưa có sự thống nhất của các bộ, ngành Trung ương cũng như chưa đảm bảo đủ điều kiện để cấp.
Lý giải vì sao địa phương đã cố gắng mà tỷ lệ cấp GCNQSDĐ chưa cao, UBND huyện cho biết, số hồ sơ còn lại ở các xã hiện nay đa số là hồ sơ có vướng mắc cần bổ sung. Hơn nữa, nhiều khu vực nhà tự quản, tập thể cơ quan và một số khu vực khác trên bản đồ đo bao nên chưa có số liệu để các hộ kê khai cấp GCN.
Mặt khác, khi thực hiện cấp GCN theo quy định của UBND thành phố tại Quyết định 65/QĐ-UB và Quyết định 23/QĐ-UB thì những trường hợp có tên trong sổ mục kê năm 60, năm 78 vẫn được coi là có giấy tờ theo quy định tại Khoản 1, Điều 50, Luật Đất đai 2003, nhưng sau khi có Công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 của Bộ TN&MT trả lời toà án về "các loại sổ mục kê, sổ dã ngoại không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1, Điều 50 của Luật Đất đai" đã gây nhiều khó khăn trong việc cấp GCN và xử lý nghĩa vụ tài chính.
Từ nay đến cuối năm, để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ ở trên địa bàn, huyện đề nghị thành phố sớm giải quyết kinh phí ký hợp đồng đo đạc đối với một số khu vực trên bản đồ lập năm 1994 đo bao, đo thiếu, các khu tập thểcần đo đạc.
Thành phố và Bộ TN&MT cần thống nhất cách hiểu một số loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 50, Luật Đất đai để hướng dẫn huyện trong việc sử dụng các loại tài liệu địa chính hiện có khi xét cấp GCNQSDĐ và giải quyết tranh chấp đất đai. Trên cơ sở đó, mới sớm có thể tạo ra sự minh bạch về đất đai, đưa công tác quản lý vào nề nếp, cũng như tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản, kiểm soát nguồn lực của đất đai, tập trung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo N.Đ - Kinh Tế - Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: