Top

Dự thảo Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Tính khả thi cao hơn

Cập nhật 18/09/2007 14:00

Ngày 17/9, Sở QH-KT đã chủ trì tổ chức buổi hội thảo lần thứ 3 để lấy ý kiến, tư vấn từng lĩnh vực của các cơ quan chuyên ngành về dự thảo báo cáo cuối kỳ của quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua HN.

Cùng với việc trưng bày lấy ý kiến của người dân, đây là buổi hội thảo quan trọng để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ vào tháng 11 tới. Trong dự thảo lần này có những điểm mới, được đánh giá cao so với hai kỳ báo cáo trước, đặc biệt là vấn đề thoát lũ.

 Chỉnh trị sông, yếu tố hàng đầu

Mục tiêu chỉnh trị sông là một trong những vấn đề quan trọng, quyết định đến tính khả thi của quy hoạch này. Trong dự thảo đã đưa mục tiêu chỉnh trị sông bao gồm: chống ngập lụt (chống ngập lụt), tăng khả năng thoát nước lũ (chỉnh trị lòng dẫn), tận dụng đường thủy (vận chuyển hành khách và hàng hóa), chống xói mòn đất trong khu vực sông (chỉnh trị kè mực nước thấp).

Để đáp ứng được những mục tiêu trên, nội dung chính của việc chỉnh trị sông bao gồm đắp đê với chiều dài 75,5km, chỉnh trị lồng dẫn với 21,7 triệu m3, chỉnh trị đường thủy dài 40km và xây dựng 6 bến tầu khách du lịch. Trong dự thảo lần này, Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng - sông Thái Bình đã tạo ra một điểm tựa căn bản.

Các số liệu của đồ án trước đây đã được rà soát, điều chỉnh, đáp ứng với những yêu cầu của quy hoạch phòng chống lũ. Theo đó, việc xây dựng độ an toàn trị thủy có xem xét các đập điều tiết lũ thượng lưu lưu vực với tần suất thiết kế từ 250 năm hiện nay với điều kiện vận hành hồ Tuyên Quang vào năm 2007 lên mức 500 năm.

Mực nước chống lũ tại khu vực HN đạt 13,4m, lượng thoát lũ qua Hà Nội tối thiểu đạt 20.000m3 nước/giây.Cả hai đê hữu ngạn và tả ngạn được đề nghị lên cấp đặc biệt để phục vụ cho phát triển đô thị trong tương lai. Quy hoạch đã xác định tuyến đê mới ổn định dòng lũ và tận dụng tuyến đê hiện tại thành tuyến đê 2.

Tham dự hội thảo lần này có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi. Ông Trần Xuân Thái, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi - Trung tâm động lực sông dánh giá, báo cáo lần này có ưu điểm đã đặt vấn đề nghiên cứu tổng thể về phòng chống lũ, thể hiện được các tiêu chuẩn, yêu cầu về phòng chống lũ nằm trong hệ thống quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng - sông Thái Bình; quy trình chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ do Bộ Giao thông Vận tải ban hành...

 7.099 triệu USD và 13 năm

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở QH-KT, mặc dù chưa thật chi tiết vì đây mới chỉ là bước lập dự án quy hoạch chứ chưa phải là lập dự án đầu tư xây dựng nhưng vấn đề di dời dân và bồi thường cũng đã được tính toán cẩn trọng. Đối tượng di dời là người dân sống trên khu vực bãi ven sông, trên cơ sở là đê hiện tại.

Dự thảo báo cáo xác định việc di dời chia thành 3 giai đoạn với tổng số hộ dân di dời là 39,1 nghìn hộ, trong đó:

Giai đoạn 1: (2008-2012): khu vực từ điểm cuối dự án - cầu Thăng Long với số hộ dân di dời hơn 11,1 nghìn hộ.

Giai đoạn 2: (2013-2016): từ cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì, số hộ dân di dời hơn 19,3 nghìn hộ.

Giai đoạn 3
: (2017-2020): cầu Thanh Trì - điểm cuối dự án, số hộ dân di dời 8,68 nghìn hộ. Để đáp ứng nhu cầu di dời các hộ dân, dự án đã tính toán nhà tái định cư vào khoảng hơn 28,9 nghìn căn nhà.

Với số hộ dân di dời như nêu trên, có hai phương án bồi thường, bồi thường trực tiếp là bồi thường bằng tiền mặt và bồi thường gián tiếp là cung cấp chung cư cho thuê dài hạn. Trong tổng chi phí dự án 7.099 triệu USD, chi phí công trình chính là 1.924 triệu USD; chi phí phát triển nhà và hình thành khu là 3.611 USD, riêng chi phí bồi thường và tái định cư là 1.564 triệu USD. Chi phí công trình chính bao gồm các công trình chỉnh trị sông (581 triệu USD), công viên ven sông (279 triệu USD), đường ven sông (574 triệu USD) và chi phí dự phòng.

Với khối lượng dân di dời lớn, tổ công tác Seoul và Hà Nội đã đề xuất phương án xúc tiến đồng thời cả ba việc: di dời dân cư, xây dựng công trình chính và cải tạo đô thị. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào năm 2020.

Phương án này được đánh giá là có lợi trong việc huy động vốn, thời gian tiến hành (13 năm). Tuy nhiên, quy mô xúc tiến dự án sẽ khổng lồ. Với câu hỏi 13 năm liệu có quá ngắn để thực hiện một dự án lớn như vậy (?), ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở QH-KT cho rằng, về kỹ thuật thì với thời gian này hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra.

Một là thời gian để có được sự thống nhất về dự án. Nếu có lo ngại về thời gian, chính là ở vấn đề này.

Hai là nguồn lực để thực hiện.

Mặc dù nguồn lực để thực hiện được ý tưởng lớn này là một con số khổng lồ - 7.099 triệu USD - nhưng không đáng ngại vì doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng như một số nước khác đang sẵn sàng tham gia đầu tư. Dự án này được xác định trên cơ sở thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đầu tư trong nước chiếm một phần nhỏ.

  

Theo Minh Thu - Kinh Tế & Đô Thị