Top

Vẫn còn những bất cập

Cập nhật 25/07/2007 11:00

Một thời gian dài, người dân Hà Nội phải chịu cảnh "có hộ khẩu mới được đứng tên mua nhà, mua nhà đứng tên thì phải có hộ khẩu". Đến cả những việc như mắc điện, nước, xin cho con đi học đúng tuyến, trái tuyến hay vào công lập, dân lập… tất cả đều phải có hộ khẩu mới thực hiện được. Luật Cư trú (LCT) ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007, đã giải tỏa được những bức xúc trên, nhất là những khó khăn trong cuộc sống mà những người dân từ các địa phương khác sinh sống tại Hà Nội phải chịu đựng trong nhiều năm qua.

Đã thông thoáng nhưng…

Đến nay, sau gần 1 tháng kể từ khi LCT được thực hiện, Công an TP đã tiếp nhận hơn 10.000 trường hợp đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú (ĐKHKTT) theo quy định mới. Trước áp lực người đến làm thủ tục đông, Công an TP đã bố trí 14 điểm ĐKHK tại trụ sở công an các quận, huyện; 231 điểm tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở công an phường, xã, thị trấn. Ngoài việc bố trí, tăng cường thêm cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ, bổ sung các phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho dân, công an các quận, huyện cùng tất cả điểm tiếp nhận hồ sơ đã niêm yết công khai, rõ ràng toàn bộ nội dung LCT, các điều kiện thủ tục, giấy tờ cần thiết theo quy định.

Bên cạnh những thuận lợi, tạo sự thông thoáng cho người dân, việc thực hiện LCT cũng nảy sinh những khó khăn vướng mắc. Tuy lượng người đến làm thủ tục nhiều, nhưng do chưa đủ điều kiện, thiếu thủ tục hoặc chưa nắm rõ các quy định và các loại giấy tờ cần thiết, nên chỉ giải quyết được chưa đầy một nửa số hồ sơ đã đăng ký.

Đơn cử như ở quận Thanh Xuân, số trường hợp hộ khẩu KT3 chiếm tới 37,5% (dân số toàn quận là 222 nghìn nhân khẩu), trong đó có khoảng 40 nghìn nhân khẩu được xem xét ĐKHKTT. Đông nhất vẫn là số sinh viên, học sinh học tại các trường đại học, cao đẳng, là người ngoại tỉnh đã tạm trú từ 1 đến 4 năm. Nhiều trường hợp phụ huynh có điều kiện kinh tế đã mua nhà ở hoặc căn hộ chung cư hợp pháp để tạo thuận lợi cho con cái trong thời gian học tập ở thành phố. Nếu căn cứ theo khoản 1 Điều 20 của LCT thì những trường hợp trên có thể được xét ĐKHKTT.

Nhưng, tại Điều 28 của LCT lại quy định là: "Không cấp giấy chuyển hộ khẩu cho sinh viên, học sinh, học viên tại nhà trường và các cơ sở giáo dục khác". Do vậy, dù có nhà ở hợp pháp do bố mẹ tạo dựng, mua cho, đã đăng ký tạm trú liên tục tại nơi cư trú, nhưng không có giấy chuyển hộ khẩu ở địa phương, nơi sinh quán tại các tỉnh thì những trường hợp trên cũng không đủ thủ tục trong hồ sơ để được ĐKHKTT, mà chỉ được đăng ký tạm trú.

Ngay cả những trường hợp chưa có nhà ở hợp pháp tại thành phố cũng rất phấn khởi trước sự "thông thoáng". Luật quy định "Nhà thuê, mượn, ở nhờ" cũng được ĐKHKTT. Song thực tế, khi thực hiện điểm này của LCT cũng không dễ dàng. Đương nhiên đối với trường hợp không có hộ khẩu thành phố, nhưng muốn đăng ký hộ khẩu về với những người thân đã có hộ khẩu thường trú như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột thì đơn giản và rất thuận lợi so với những quy định cũ.

Nhưng đối với trường hợp ở nhờ, mượn, ở thuê nhà thì không dễ gì chủ hộ (là người cho thuê, mượn, cho ở nhờ) đồng ý bằng văn bản để cho người khác (trường hợp trên) nhập khẩu vào HKTT của mình. Ví dụ, có chủ hộ ở một phường của quận Cầu Giấy có tới cả chục phòng cho thuê, mỗi phòng thu từ 2 đến 3 trăm nghìn đồng/tháng. Nhưng khi một số người thuê ngỏ ý xin ĐKHKTT để tạo thuận lợi cho họ mưu sinh lâu dài tại thành phố thì chủ hộ kiên quyết không đồng ý, với lý do rất đơn giản là: Tránh rắc rối từ chuyện thuê nhà đến xác nhận để nhập hộ khẩu sẽ gây phiền toái sau này, rất khó giải quyết.

Việc ĐKHKTT theo LCT là rất "thông thoáng", nhưng điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý sau này. Thượng tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CATP) cho biết: "Theo LCT các trường hợp lưu trú chỉ cần gọi điện thoại thông báo cho CA, không nhất thiết phải đến trụ sở CA. Như vậy, muốn quản lý tốt, cảnh sát khu vực phải tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, đặc biệt là các đối tượng lưu trú có biểu hiện nghi vấn. Hơn thế, việc đăng ký tạm trú không phân biệt KT3, KT4, học sinh, sinh viên và không quy định thời hạn nên sẽ xảy ra tình trạng một người có thể sử dụng nhiều giấy tạm trú. Trong các giao dịch, nếu xảy ra tranh chấp hoặc có các vụ việc liên quan rất khó để xác định nơi cư trú chính xác của họ".

Chưa "cởi gỡ" hết

Ngay cả việc ĐKHKTT theo LCT cũng rất dễ nảy sinh tranh chấp. Ví dụ như ông X. làm thủ tục nhập khẩu cho người nào đó, có thể là thân thiết, nhưng cũng có thể là người không quen biết. Bình thường không có chuyện gì xảy ra thì thôi. Nhưng, giả sử ông X. làm thủ tục bán nhà phải có sự đồng ý và chữ ký của các thành viên trong gia đình. Vì một lý do nào đó, người ông X. cho nhập khẩu "nhờ" không ký, lúc đó giải quyết tranh chấp như thế nào? Đây là một trong rất nhiều tình huống mà các nhà hoạch định, làm luật cần tính đến phương án giải quyết.

Theo luật định, nhà ở của người ĐKHKTT khi mua có "sổ đỏ", có xác nhận hay đã làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp hoặc mua của các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh nhà có hồ sơ thủ tục đầy đủ, đã và đang làm hồ sơ cấp "sổ đỏ" thì việc cấp ĐKHKTT là rất thuận lợi. Nhưng còn các trường hợp khác như nhờ đứng tên trong "sổ đỏ" hoặc nhà đất mua bán bằng giấy tờ viết tay chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì khó thực hiện, nhất là loại nhà ở mua bán trao tay nằm trong khu vực đã có quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất đai, đang có tranh chấp thì không đủ điều kiện thủ tục để ĐKHKTT. Hơn thế, khi thực hiện LCT, nhiều người dân ở diện KT3 không xin được giấy xác nhận tình trạng chỗ ở tại phường, xã vì thành phố chưa có hướng dẫn nên chính quyền sở tại đang gặp nhiều trở ngại.

Để thực hiện tốt LCT, ngày 9/7/2007, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có Văn bản số 906/CV - TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn phải thực hiện chứng thực chỗ ở hợp pháp cho công dân theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 107/2007/NĐ- CP của Chính phủ đã ban hành ngày 25/6/2007.

Theo Tâm Thủy - Kinh Tế & Đô Thị