Còn hơn 4 tháng nữa là mọi loại giấy chủ quyền nhà, đất đã cấp qua các thời kỳ (gọi tắt là giấy trắng) sẽ không còn giá trị trong giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng, thế chấp... Thế nhưng hiện nay những rối rắm trong thủ tục chuyển nhượng, cấp đổi giấy chủ quyền liên quan đến loại giấy trắng đã phát sinh ngày càng nhiều .
Mất quá nhiều thời gian
Theo Nghị định 84 (ban hành ngày 25-6-2007), từ 1-1-2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận (giấy hồng, giấy đỏ) mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, cho thuê... Thế nhưng nhiều người dân phản ánh tại một số phòng công chứng khi nhận hồ sơ liên quan đến giấy chủ quyền “trắng”, công chứng viên đã đề nghị nên cấp đổi sang giấy hồng trước khi thực hiện giao dịch.
Bởi theo họ, có một số loại giấy trắng không thể hiện được quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà!? Do đó, nhiều nơi buộc phải làm thủ tục đổi màu cho giấy chủ quyền từ trắng sang hồng.
Sau gần 6 tháng “sưu tập” các loại giấy tờ, chữ ký, con dấu... theo hướng dẫn của cán bộ, đến cuối tháng 4 - 2007, hồ sơ xin cấp đổi giấy chủ quyền của ông Phạm Quang Lộc (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh - TPHCM) cũng được quận thụ lý. Ông Lộc tưởng rằng chỉ trong một tháng rưỡi sẽ xong, thế nhưng đến giữa tháng 8, ông Lộc vẫn cứ hằng tuần phải lên quận để thăm dò kết quả. “Gần hai tháng, kể từ ngày được hẹn trả hồ sơ, tôi phải đi lại cả chục lần nhưng đều bị cán bộ... hẹn mà không nêu rõ lý do vì sao...” - ông Lộc bức xúc.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các trường hợp hồ sơ giải quyết trễ hẹn, ứ đọng hồ sơ (quá 30 ngày làm việc) hiện khá phổ biến, nhất là tại một số quận, huyện quá tải về hồ sơ.
Một vướng mắc khác liên quan đến trường hợp cấp đổi giấy trắng mà người dân đang thế chấp tại ngân hàng. Tại một số địa phương, việc cấp đổi giấy chủ quyền vẫn được thụ lý hồ sơ miễn ba bên là ngân hàng, người dân và UBND quận, huyện nơi nhà, đất tọa lạc đồng thuận. Thế nhưng, một số địa phương, trong đó có quận Bình Tân, lại từ chối nhận hồ sơ với lý do nhà đang thế chấp. Muốn được giải quyết, người dân phải trả hết vốn vay cho ngân hàng rồi mới được làm thủ tục cấp đổi sau.
Chuyển nhượng trước, cấp đổi sau
“Phải tháo gỡ ngay những vướng mắc phát sinh từ giấy chủ quyền trắng. Bởi hiện các loại hồ sơ liên quan đến giấy trắng như đăng ký giao dịch bảo đảm, sang tên trên chủ quyền hiện chiếm 30% - 40% tổng số hồ sơ làm thủ tục tại trung tâm” - ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường và Đăng ký Nhà đất (Sở Tài nguyên - Môi trường), nói.
Ông Liên hướng dẫn: “Trong thời điểm hiện nay, nếu người dân đã có giấy chủ quyền trắng muốn chuyển nhượng thì lập thủ tục chuyển nhượng trước, sau đó cấp đổi sang giấy hồng sẽ thuận lợi hơn vì sẽ rút gọn thời gian gần 40% so với cách hiện nay các cơ quan yêu cầu người dân thực hiện”.
Theo Kim Long - Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: