Nhà sở hữu Nhà nước bán theo Nghị định 61 sẽ được phân loại theo cấp hạng và từng khu vực. Theo đó nhà riêng lẻ, nhà mặt phố có giá trị lớn sẽ được áp dụng mức giá cao hơn.
Theo dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung của chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61 mà Bộ Xây dựng mới trình Chính phủ, những căn nhà riêng lẻ, có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, mặt phố sẽ áp dụng giá do UBND tỉnh quy định tại thời điểm bán.
Biệt thự có nhiều hộ cùng chung sống, trong đó diện tích sử dụng có thể phân chia thành nhiều phần riêng biệt cũng sẽ áp dụng mức giá này.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, tiền sử dụng đất trong giá bán nhà tại các khu tập thể được ghi nợ không tính lãi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp cho người mua.
Trong thời gian người mua chưa trả hết tiền nợ, nhưng muốn bán lại hay thế chấp thì phải trả hết khoản nợ tiền sử dụng đất, rồi mới thực hiện các giao dịch.
Với chung cư có cấu trúc căn hộ không khép kín mà địa phương chưa cải tạo, trong khi người sử dụng đã tự sửa chữa để dùng độc lập, người mua sẽ được phép bán lại nếu các hộ dân đạt được đồng thuận chia diện tích chung và cam kết bằng văn bản.
Dự thảo Nghị quyết này cũng đề xuất nâng giá thuê nhà sở hữu Nhà nước lên cho tương ứng với tiền lương cơ bản. Theo đó, từ năm 1992, lương cơ bản đã tăng từ 120.000 đồng lên 450.000 đồng, nên giá thuê nhà cũng sẽ được nâng lên để đảm bảo đủ chi phí duy tu, quản lý chung cư. Tuy nhiên, hiện Bộ Xây dựng chưa đề xuất mức giá thuê sẽ áp dụng.
Theo Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2006, trên cả nước đã bán trên 200.000 căn, đạt 58% trong quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Hiện cả nước còn lại 64.500 căn nhà thuộc diện được bán, tương đương 18,6% tổng số nhà, phần còn lại là diện tích sở hữu nhà nước không được bán.
>>30/9 ngừng bán nhà sở hữu nhà nước ở Hà Nội.
Theo N.C. - Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: