Top

Sài Gòn năm năm nữa?

Cập nhật 30/06/2007 14:00

Tôi đã nói đùa với người gợi ý viết bài này “Tại sao lại phải lấy mốc năm năm khi định hình diện mạo một đô thị phát triển mà không phải là 20 năm hay hơn nữa?”.

Một “đời” thành phố, biết bao nhiêu đời người, năm năm thì có là bao! Nhưng nghĩ lại mới chợt nhận ra, năm năm hay 20 năm có khi không mấy khác nhau (!), có khác chăng là ở cách nhìn.

Nói về tương lai một thành phố, thông thường tâm lý chung muốn vẽ nên một giấc mơ đô thị khá giống nhau. Đó là một khu mới phát triển hiện đại với nhà cao tầng, hạ tầng đô thị khang trang, kiểu như phố Đông của Thượng Hải.

Ta cũng đang nuôi giấc mơ thông thường đó bằng dự án đô thị mới Thủ Thiêm. Đã nói “giấc mơ thông thường” nghĩa là không có gì sai. Điều quan trọng là nội dung cần cân nhắc thấu đáo tính khả thi và hiệu quả.

Tôi liên tưởng đến chuyện sắm xe hơi đời mới. Có nhiều người cứ đổi xe mới xoành xoạch, vì nó hiện đại hơn, nhiều “đồ chơi” hơn. Nhưng chuyện đó sẽ rất khó với nhiều người khác, vì “Tôi thương cái xe! Nó quen chân, quen tay rồi!”. Rõ ràng, cảm giác sống khác với hành vi thụ hưởng đơn thuần. Thành phố hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi càng không thể chỉ đơn thuần là tiện nghi sống.

Cho nên hình ảnh ước mơ về một Sài Gòn mới, một thành phố Hồ Chí Minh phát triển không thể xa rời những giá trị bản sắc mà Sài Gòn đã có. Và để đi tới, hãy cẩn trọng nhìn lui.

Rất nhiều đồ án quy hoạch phát triển mở ra những tầm nhìn về một viễn cảnh xán lạn; còn thì đầu tư suy nghĩ rất ít về phần cội rễ đô thị hiện có. Nhiều thế hệ đã và đang sống, còn nhiều những thế hệ sắp tới nữa, sẽ sống trong đô thị này. Thế hệ nào cũng có quyền hưởng hạnh phúc từ đô thị và có nghĩa vụ vun đắp cho những giá trị bền vững của nó.

Bản sắc của Sài Gòn bây giờ chính là quả ngọt lẫn lầm lỗi của chặng đường dài từ 300 năm trước.

Không người Sài Gòn nào không bồi hồi xúc cảm pha chút tự hào khi nhìn những góc phố cũ kỹ Sài Gòn trên tấm post card xưa. Một du khách chắc chắn đứng trên góc phố này sẽ bồi hồi không kém, nếu trên tay họ cũng có hình ảnh ký ức một thời của nơi chốn đó. Bất cứ sự đoạn tuyệt dứt khoát nào cũng là mất mát không đáng có của bản sắc đô thị. Nếu ở nước Mỹ, du khách choáng ngợp trước bao điều kỳ thú và vĩ đại của óc tưởng tượng, khả năng kỹ thuật thì nước Ý cũng thu gặt bao nhiêu là ngoại tệ từ du khách vì biết cách gìn giữ và khơi gợi những hồi ức từ đống gạch đá đổ nát rêu phong.

Ở góc độ đó, bao nhiêu tiền bỏ ra làm bê tông bó vỉa hè, mới một hai năm đã lở lói xác xơ làm sao sánh với những viên đá xanh trăm năm tuổi, mà ta đã đành vứt đi khá nhiều. Rồi bản thân những vỉa hè nữa, hơn hai mươi năm vẫn chưa có một quy chế sử dụng vỉa hè cho ra hồn đô thị mà toàn căng óc ra soạn những điều cấm đoán vừa như bắt cóc bỏ dĩa, vừa rối rắm chuyện rượt đuổi hàng ngày. Rồi vỉa hè vẫn sống động nhưng với con mắt láo liên, không bao giờ đẹp được.

Cứ hào hứng với những nhà cao tầng đi, nhưng hãy nhớ những ngôi nhà cũ hai tầng không những vẫn hái ra tiền ở khu China town trong quận 5 mà còn làm nên nét lãng mạn hương xa. Những con hẻm ngoằn ngoèo ẩn dấu mấy quán ăn, quán cà phê nổi tiếng, nhiều du khách phải xuýt xoa, lăng xăng bấm máy.

Một góc chợ trời, một phố trái cây, một góc ăn đêm… tất cả đều mang giá trị thật: chất sống của đô thị. Chỉ khi nào cảm hết những mạch đời quý giá trong lòng cái vỏ hỗn độn (và lạc hậu!) hàng ngày mới đủ sức ước mơ về một đô thị mới phát triển đậm chất Sài Gòn. Không có bản sắc nào không bắt đầu từ con người, nhất là kiến trúc và đô thị.

Mới đây, thành phố Paris tráng lệ đã khẳng định giá trị to lớn của văn hóa phi vật thể tác động lớn tới công ăn, việc làm, giáo dục, dạy nghề… cho cả cộng đồng xã hội. Trong những thứ giá trị văn hóa phi vật thể đó, có thứ bình dân nhưng chắc chắn phải được kể tên là những sạp bán sách cũ dọc sông Seine, hình ảnh đã đi vào sách giáo khoa dạy tiếng Pháp từ lâu lắm rồi.

Để làm nên những góc mới mẻ và giàu bản sắc, đô thị phải nhận thức lại chính cái cơ thể cũ kỹ của mình trước nhất, phải thấm thía những ngóc ngách hạnh phúc thật sự của người dân đô thị mà trước tiên là cảm giác dễ sống và an toàn. Chỉ có lòng tin vào điều đó mới đủ sức truyền được cảm hứng và hạnh phúc cho khách phương xa, nguồn thu nhập quan trọng của những thành phố thành công hiện đại.

Trở lại câu chuyện hình ảnh tương lai thành phố của năm năm hay 20 năm sau, tôi thấy câu trả lời vừa dễ mà vừa khó. Vì trở lại với những gì mình đã có luôn là con đường ngắn nhất nhưng đòi hỏi sự dũng cảm của một bản lĩnh văn hóa. Còn đi tìm chỗ bấu víu thiếu căn cơ thì thời gian càng dài, vết thương của sự ngộ nhận càng lớn, đường càng trở nên xa.

Theo KTS. N.Văn Tất - TBKTSG