Top

Mở rộng TP HCM thành 'Hòn ngọc Viễn Đông'

Cập nhật 22/06/2007 14:00

Từ nay đến năm 2025, TP HCM sẽ mở rộng ra cả 4 phía theo định hướng phát triển thành một siêu đô thị văn hóa, trung tâm công nghiệp, dịch vụ tiên tiến của vùng Đông Á.

Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM và Công ty Nikkei Sekkei vừa đưa ra những đề xuất cơ bản cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, sau hơn một năm nghiên cứu thực trạng ngổn ngang của đô thị này.

Trước đây, lập quy hoạch là "chuyện nội bộ" của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng lần này, khi bắt tay nghiên cứu, thành phố đã chủ động mời tư vấn nước ngoài và phản biện quốc tế hỗ trợ. Công ty Nikkei Sekkei của Nhật nhận lời tư vấn với hợp đồng trị giá 1,2 triệu USD và Cộng đồng đô thị Lyon cùng các chuyên gia đô thị vùng Rhône Alpes của Pháp giúp phản biện.

Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng đô thị, nhóm nghiên cứu cho rằng, quy hoạch đô thị TP HCM phải nhắm đến khôi phục vị thế Hòn ngọc Viễn Đông của thành phố này. Thành phố sẽ là một siêu đô thị văn hóa, một trung tâm công nghiệp - dịch vụ tiên tiến của khu vực và vùng Đông Á; một siêu đô thị chức năng với thiết kế đô thị tôn trọng bản sắc, lịch sử, môi trường đặc trưng của thành phố.

Định hướng phát triển TP HCM đến năm 2025 phải gắn kết với các đô thị khác trong vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đức Hòa, Bến Lức, Tân An (tỉnh Long An); không phát triển đô thị trong khu dự trữ sinh quyển 33.000 héc ta ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn Bình Chánh, Củ Chi.

Các trung tâm mới

Trung tâm chính của thành phố bao gồm trung tâm hiện hữu (quận 1, 3, 4, 5 và một phần Bình Thạnh) và khu vực mở rộng gồm cả Thủ Thiêm và Nam Sài Gòn.

Các trung tâm khu vực theo bốn hướng gồm: Ở phía Đông là khu vực dọc trục đường Hà Nội thuộc địa bàn quận 9 với trung tâm là phường Long Trường; phía Bắc là khu đô thị mới Tây - Bắc; ở phía Tây, khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; ở phía Nam, khu A đô thị mới Nam Sài Gòn.

Phát triển cả bốn hướng

Ngoài khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang khu đô thị Thủ Thiêm, các hướng phát triển của khu vực ngoại vi, nhóm nghiên cứu cho rằng cần bổ sung thêm hướng tây, tây - nam. Theo đó, thành phố sẽ phát triển 4 hành lang ưu tiên để tạo động lực cho cả 4 hướng gồm hành lang Tây Bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Hành lang cửa ngõ phía Đông (dọc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) sẽ kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai). Hành lang trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh và hành lang dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai chọn lựa cho khu nội thành cũ:

- Giữ nguyên hiện trạng, hạn chế phát triển tầng cao, tập trung vào việc nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quỹ đất có được từ việc di chuyển các công trình sản xuất gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch sẽ dành để đầu tư cho việc phát triển nhà ở và công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh.

- Quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang hiện trạng; ngoài ba khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan tại khu trung tâm hiện hữu quận 1, 3; khu vực Chợ Lớn, quận 5; khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh thì các khu vực còn lại cần quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây dựng mới một số ô phố theo hướng giữ nguyên dân số, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất và giảm mật độ xây dựng để dành quỹ đất phát triển các công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh. Đặc biệt, lưu ý về quy hoạch phát triển khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Quy mô dân số: Đến năm 2025, TP HCM sẽ ổn định ở mức 10 triệu người.

Phân bố dân cư: Khoảng 4 - 4,5 triệu người ở khu vực nội thành mở rộng và các quận mới 2,8-2,9 triệu người, còn lại là ngoại thành.

Theo TBKTSG