UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Qui hoạch - kiến trúc đề xuất các tiêu chí qui hoạch 20 ô phố thuộc những vị trí đẹp nhất của khu trung tâm TP để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
20 ô phố đó gồm: khu tứ giác Bến Thành; khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học; khu Bệnh viện Sài Gòn; khu Eden; khu đối diện khách sạn Park Hyatt (góc Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng -Đông Du); đối diện khách sạn Park Hyatt (Lê Thánh Tôn - Thi Sách - Cao Bá Quát - Hai Bà Trưng); khu đất Bia Sài Gòn; Sở Văn hóa - thông tin; chợ Dân Sinh và khu nhà phố; tứ giác Mả Lạng (Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh); khu 87 Cô Giang; khu góc Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh; khu Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT); khu 25bis Nguyễn Thị Minh Khai; khu CLB TDTT 257 Trần Hưng Đạo; khu Nhà máy đóng tàu Ba Son; khu tứ giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp; chợ Bến Thành; khu sáu ô phố kế chợ Bến Thành; khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Thiệp.
Tổng các khu đất này có diện tích lên đến hơn 50ha, trong đó khu nhỏ nhất là 2.350m2 và lớn nhất là khu Ba Son với hơn 22ha. Ngoài hai khu “đất vàng” UBND TP đã chấp thuận về chủ trương giao cho Vincom đầu tư (khu Eden và khu Sở GD-ĐT), 18 ô phố còn lại cũng rất hấp dẫn nhưng hiện nay không phải nhà đầu tư nào cũng biết. Sở Qui hoạch - kiến trúc đã đề xuất UBND TP tiêu chí qui hoạch một số khu vực trong số 20 ô phố trên. Cụ thể:
- Khu tứ giác Bến Thành: diện tích 8.500m2, giáp các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành. Chiều cao tối đa 220m, tầng cao công trình từ 60-65 tầng (không kể tầng lửng, hầm và mái che cầu thang). Chức năng là văn phòng, thương mại dịch vụ và 25% tổng diện tích sàn cho nhà ở.
- Khu tứ giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Yersin - Nguyễn Thái Học: khoảng 13.000m2, chiều cao tối đa 260m, tầng cao từ 60-65 tầng. Chức năng: văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, thương mại, trong đó ưu tiên cho khách sạn cao cấp. Đây là công trình tạo điểm nhấn nên được lưu ý kỹ về hình thức kiến trúc và khối dáng công trình. Riêng tầng hầm nên có giải pháp kết nối với bãi đậu xe ngầm tại công viên 23-9.
- Khu Sở Văn hóa - thông tin (164 Đồng Khởi): khoảng 4.900m2, ở vị trí đặc biệt, gần các công trình có giá trị kiến trúc, bảo tồn. Tầng cao tối đa là 15 tầng, chiều cao tối đa 60m, làm văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày, triển lãm.
- Khu đối diện thương xá Tax: khoảng 6.000m2, giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiệp, Đồng Khởi, Lê Lợi. Làm văn phòng, khách sạn cao cấp, cửa hàng thương mại bán lẻ, không có căn hộ. Tầng cao khối công trình sát lộ giới các trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ: 5-6 tầng, phần góc phía giao lộ Đồng Khởi, Nguyễn Thiệp: 20-22 tầng, chiều cao tối đa 88m.
- Khu Bệnh viện Sài Gòn: khoảng 5.400m2, một mặt giáp đường Lê Lợi, một mặt giáp đường Huỳnh Thúc Kháng. Chức năng: văn phòng, thương mại dịch vụ, khách sạn, trong đó ưu tiên cho khách sạn. Tầng cao từ 40-45 tầng, chiều cao tối đa 160-180m.
- Khu tứ giác Eden: khoảng 8.800m2, giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lê Lợi; làm khu dịch vụ văn phòng cao cấp, khách sạn cao cấp, cửa hàng thương mại bán lẻ. Khối công trình sát lộ giới các trục đường có chiều cao khoảng 5-6 tầng. Phần lõi phía trong ô phố có thể cao tối đa 7-8 tầng, chiều cao tối đa 30m, mật độ xây dựng tối đa 75%, không giới hạn số tầng hầm.
- Khu vực số 66-68-70 đường Lê Thánh Tôn (Sở GD-ĐT): khoảng 8.330m2, phần đất lớn để xây dựng có diện tích 7.393m2, phần đất còn lại khoảng 947m2, trên đó có một biệt thự giáp với biệt thự 64 Lê Thánh Tôn đề xuất dùng để xây dựng trụ sở Sở GD-ĐT. Khu này làm khu dịch vụ cao cấp như văn phòng, khách sạn, cửa hàng thương mại bán lẻ, không có chức năng căn hộ kinh doanh. Tầng cao tối đa 22 tầng (không kể tầng lửng, tầng hầm), chiều cao tối đa 90m, mật độ xây dựng 50-60%.
- Công viên 23-9: khoảng 9,46ha, giới hạn bởi các đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, vòng xoay Quách Thị Trang. Chức năng chính là công viên cây xanh, văn hóa và quảng trường có tượng đài kỷ niệm Nam bộ kháng chiến, cùng một số chức năng phụ như ga xe điện ngầm, trạm điều hành xe buýt, chỗ đậu xe công cộng (tại các tầng hầm dưới công viên) và thương mại, dịch vụ.
- Khu đất đối diện khách sạn Park Hyatt (phía Công trường Lam Sơn): khoảng 8.180m2, giáp Công trường Lam Sơn, đường Hai Bà Trưng, Đông Du. Các cạnh còn lại giáp với khách sạn Caravelle. Chức năng: văn phòng, khách sạn cao cấp. Bố cục công trình theo dạng ba khối: khối công trình giáp các mặt đường Đông Du, Hai Bà Trưng và Công trường Lam Sơn là khối thấp tầng có tầng cao tương đương khách sạn Park Hyatt.
Lùi vào sâu phía trong khu đất là hai khối cao tầng bao gồm: khối song song với Công trường Lam Sơn có chiều cao tương đương khách sạn Caravelle kế cận (26 tầng), khối song song với đường Hai Bà Trưng có chiều cao 20 tầng. Tầng cao tối đa 26 tầng, chiều cao tối đa 104m (tương tự khối cao tầng khách sạn Caravelle kế cận), mật độ xây dựng tối đa 70%. Khối tháp 20 tầng: 55-60%; khối tháp 26 tầng: 25%.
- Khu đối diện khách sạn Park Hyatt (phía đường Hai Bà Trưng): khoảng 11.200m2, giáp các đường Thi Sách, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn và Cao Bá Quát. Chức năng là khu khách sạn cao cấp, văn phòng. Khối công trình giáp mặt đường Hai Bà Trưng, Cao Bá Quát thấp tầng, cao tương đương khách sạn Park Hyatt. Tầng cao tối đa 26 tầng, chiều cao tối đa 104m, mật độ xây dựng cao nhất 60%, riêng khối tháp 26 tầng là 25%.
Như Hằng ghi
Lan Vi
Phúc Huy
Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: