Đó là khẳng định của ông Đỗ Viết Chiến, PGĐ Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Theo ông Chiến, chúng ta có khả năng để kiến trúc ở hai bên bờ sông Hồng đẹp hơn so với sông Hàn.
Sẽ khác với sông Hàn
Theo ông Đỗ Viết Chiến, việc qui hoạch khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được Thường vụ Thành vụ Thành uỷ chấp thuận làm và vấn đề còn lại lúc này là làm thế nào cho nhanh, cho tốt.
Ông Chiến cho biết, nếu không có sự qui hoạch, việc xây dựng tự phát ngoài đê tiếp tục tiếp diễn sẽ khiến lòng sông bị thu hẹp lại. Vấn đề này không hề đơn giản khi cốt đô thị của Hà Nội chỉ từ 6 đến 8, trong khi nước đỉnh lũ của sông lên đến 14m.
Về mô hình qui hoạch ông Chiến cho rằng, trên thế giới có nhiều dòng sông chảy qua Thành phố, nhưng hầu hết các dòng sông này khác với sông Hồng của ta. Với dòng sông Hàn của Hàn Quốc, chế độ thuỷ văn dữ dằn và có những nét tương đồng với dòng sông Hồng.
Chẳng hạn, khoảng cách nước giữa hai mùa của sông Hồng là 11m, trong khi sông Hàn là 13m. Lưu lượng lũ của sông Hồng là 25.000m3/s (tần suất 500 năm), còn sông Hàn là 37.000m3/s (tần suất 200 năm)...
Tuy nhiên, ông Chiến khẳng định, sẽ không có việc lấy nguyên mô hình khác úp vào sông Hồng. “Ta không phải học kiến trúc của sông Hàn mà có khả năng kiến trúc đẹp hơn, hoành tráng hơn ở hai bên bờ sông Hồng”, ông Chiến tự tin.
Dự án Nghiên cứu qui hoạch
sông Hồng giai đoạn 1.
Theo ông Chiến, kiến trúc sông Hàn cách đây 20 năm là phù hợp nhưng giờ đây không hẳn như vậy. Các cầu bắc qua sông Hồng của ta sẽ không “đơn giản” như họ mà còn phải bảo đảm tính thẩm mỹ hơn. Cùng đó, việc qui hoạch hai bên dòng sông Hồng sẽ thực hiện theo hướng để con người có thể đến gần với dòng sông hơn, khác sông Hàn trước đây... “Ta không chỉ học thành công mà còn học cả thất bại của sông Hàn”, ông Chiến nhấn mạnh.
Ông Chiến cũng khẳng định, không có chuyện lồng hai giai đoạn, nghiên cứu dự án qui hoạch và xúc tiến đầu tư. Phần xúc tiến đầu tư sẽ do chúng ta thực hiện thông qua việc đấu thầu và phía Hàn Quốc nếu tham gia cũng sẽ được tính như các ứng viên khác. Phía bạn có thể được cộng điểm, nhưng tổng điểm của ứng viên cao nhất sẽ được chọn.
Cổ Loa - Hồ Tây: trục không gian quan trọng
Về hệ thống đê, có nhiều đoạn sẽ được thu hẹp lại, nhưng cũng có những đoạn sẽ được mở rộng thêm. Chẳng hạn, sẽ mở rộng thêm về bên bờ Bắc ở đoạn cầu Chương Dương, mở rộng thêm ở phía Cầu Thăng Long... Ông Chiến cũng khẳng định, làm đê mới là vấn đề không khó khăn với kĩ thuật hiện nay.
Sau khi thiết kế lại hệ thống đê, sẽ có khoảng 6.000ha đất dành cho thềm bãi, 1.500ha đất dành cho xây dựng đô thị (đây sẽ là nguồn lực để nuôi dự án). Trong phần đất xây dựng đô thị, sẽ dành ra những phần để tổ chức các công viên theo các chủ đề khác nhau. Cây xanh, mặt nước, văn hoá sẽ là những yếu tố để tổ chức không gian chính.
Trục không gian quan trọng sẽ là Cổ Loa - Hồ Tây và theo ông Chiến, trục này được các nhà phong thuỷ ví như “thần đạo”. Trên cơ sở trục không gian này, có thể xem xét, tính toán đặt trung tâm hành chính quốc gia ở đâu.
Đô thị ven sông sẽ được chia thành 4 khúc, với lợi thế khác nhau: (1) đoạn sông Hồng bắt đầu vào Hà Nội đến cầu Thăng Long; (2) Đoạn từ cầu Thăng Long cầu Chương Dương; (3) Đoạn từ cầu Chương Dương đến cầu Vĩnh Tuy; (4) Vĩnh Tuy đến hết địa phận phía Nam.
Đoạn đầu tiên sẽ hình thành hai khu đô thị lớn, cộng thêm trung tâm hàng hoá ở phía Nam. Đoạn thứ hai (được coi là rất quan trọng) sẽ tổ chức không gian xanh cùng một khu đô thị lớn...
Đối với hơn 17 vạn dân có liên quan, ông Chiến cho biết, những làng nghề, khu dân cư nằm ngoài hành lang thoát lũ sẽ được giữ nguyên. Những khu dân cư nằm trong hành lang thoát lũ sẽ di chuyển theo kiểu cuốn chiếu, nơi nào thuận lợi sẽ làm trước.
Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo dự án mới nghiên cứu qui hoạch chi tiết xem chỗ nào giữ lại, chỗ nào di dời.
Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: