Top

Giữ đất ven biển

Cập nhật 21/08/2010 14:15

Xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống xói lở trên các đảo thuộc quần đảo; thiết lập các dự án, công trình nâng cao chất lượng môi trường ven biển, cải thiện môi trường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững... là những nội dung quan trọng của Đề án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam... theo Quyết định số 373/QĐ-TTg.

Muốn vậy, công tác quản lý và kiểm tra giám sát thường xuyên đất có mặt nước ven biển phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Đất có mặt nước ven biển theo quy định là đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối. Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Phải đảm bảo việc bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển; bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan …

Những năm gần đây Viện TN&MT biển đã có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội nhiều địa phương ven biển. Có giá trị thực tiễn cao phải kể tới các giải pháp chống xói lở bờ biển (Cát Hải, Hải Hậu và Hòa Duân), xác định nguyên nhân sa bồi luồng vào cảng Hải Phòng, giải pháp chống sa bồi cảng cá (Ngọc Hải), đánh giá thiên tai ngập lụt ven bờ (Thừa Thiên - Huế), cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế biển đến 2010 (Hải Phòng), quy hoạch sử dụng vùng đất bồi ven biển, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các huyện đảo (Bạch Long Vỹ), quy hoạch bảo vệ bãi giống thủy sản và bảo vệ đất ngập nước (Thừa Thiên - Huế)…

Tuy nhiên, những hành vi trái pháp luật trên biển diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương ven biển, dẫn tới cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái, làm giảm khả năng chống lụt, bão, chống sóng gió cho địa phương ven biển, không bảo đảm sự phát triển bền vững.

Thêm nữa, đê sông, đê biển vùng ĐBSCL không thôi chưa đủ sức ngăn mặn, giữ ngọt, chống tràn. Sóng biển vẫn đang bào mòn tuyến đê biển từ biển Đông sang biển Tây. Qui luật lập địa vùng đất phù sa bị xáo trộn do thiên nhiên, do chính con người gây ra. Đó là vì dải rừng phòng hộ đê biển chưa choàng kín và không đủ sức chống chọi với sóng biển, nước dâng.

Rừng phòng hộ đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau dài 93 km thuộc các huyện ven biển U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân… có trên 3.000 hộ với hơn một vạn dân sinh sống. Trong đó, chưa đến một nửa số hộ dân có hộ khẩu thường trú, còn lại là tạm trú, di dân tự do. Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, số hộ dân cư trú trong và ngoài đê thuộc khu vực rừng phòng hộ khoảng hơn 2.100. Họ không có đất sản xuất, đang gây áp lực lên tài nguyên rừng.

Rừng phòng hộ biển Tây thuộc địa phận huyện U Minh có hơn 300 hộ dân sinh sống, đa số còn nghèo khó. Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, nhận định: "Dân nghèo, đời sống người dân còn gặp khó khăn thì khó quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đó là chưa kể việc chính họ trực tiếp chặt phá rừng phòng hộ vì mưu sinh". Ông Nguyễn Xuân Nghi, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây, cho biết: "Người dân có hợp đồng nhận khoán đất rừng, được phép cải tạo 30% diện tích để nuôi tôm, còn 7 % diện tích rừng phải bảo vệ rừng. Thực tế, người nhận khoán đất rừng làm đảo lộn tỷ lệ trên".

Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thống kê sơ bộ có khoảng 20% hộ dân nhận khoán đất rừng tự bỏ đi nơi khác vì làm ăn thất bại. Nhưng số hộ dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ nhiều hơn vì dòng người di dân tự do xuôi về đây. Họ đến với rừng theo mùa vụ khai thác ven biển.

Các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu qui hoạch lại diện tích rừng đều có xu hướng bóp rừng phòng hộ ven biển. Bởi lẽ, rừng phòng hộ được qui hoạch thành rừng sản xuất thì người dân nhận khoán đất rừng mạnh tay tác động hơn, mở rộng diện tích sản xuất tôm. Hiện trạng rừng phòng hộ các tỉnh có chiều dày khoảng 1.000 m, chỗ mỏng nhất là trơ trơ đê biển trước sóng gió. Hầu hết các cửa sông ăn thông ra biển đều bị sạt lở nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong số hàng loạt những biện pháp bảo vệ đất ven biển, kết quả kiểm kê đất đai 2010 tới đây đối với đất mặt nước ven biển sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, nhằm hỗ trợ các địa phương ven biển nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo tốt hơn việc phát triển kinh tế biển bền vững. Đặc biệt việc phát triển hệ thống rừng phòng hộ lấn biển với những khu quản lý đặc dụng sẽ có thể cung cấp tài nguyên cho con người sử dụng bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN&MT