Top

Giấy hồng mới: Thế chấp, vẫn trục trặc

Cập nhật 25/05/2007 10:00

TT - Tại TP.HCM đã có người dân đòi trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng mới) khi nhà đất không thế chấp được. Còn với cách đăng ký thế chấp mới, nhiều người sẽ trả xong nợ nhưng trên giấy tờ nhà đất nợ vẫn còn “treo”.

Chờ sẽ ách tắc

Đến nay, việc đăng ký thế chấp bằng trang bổ sung kèm theo giấy hồng mới đã tạm ngưng hơn 20 ngày, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Hàng ngàn giấy hồng mới có nhu cầu thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, cho con đi học tạm thời phải gác lại…

Người dân ở một quận tại TP.HCM cho biết sau một thời gian chờ đợi, vừa qua nhà bà đã được cấp giấy hồng mới, công nhận chủ quyền. Do cần vốn làm ăn nên bà đem thế chấp căn nhà. Ngân hàng yêu cầu phải có đăng ký thế chấp ở văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại quận mới đồng ý cho vay tiền. Tất tả mang hồ sơ lên quận để được cho vay sớm nhưng một nhân viên trả lời: đã ngưng đăng ký thế chấp theo chỉ đạo của UBND TP. Nếu có nhu cầu vay thì đề nghị ngân hàng gửi thông báo đến quận, sau đó quận sẽ có thông tin phản hồi cho biết nhà đất bà có đủ điều kiện thế chấp không (thực hiện theo hướng dẫn tại nghị định 90). Nhưng ngân hàng trên không đồng ý gửi thông báo vì cho rằng cách làm như vậy khá rủi ro, có khả năng gây thiệt hại cho ngân hàng. Vì vậy bà đành chờ…

Đến ngày 23-5 vừa qua, được biết các bộ vừa ban hành thông tư hướng dẫn đăng ký thế chấp theo qui định mới, bà vội vàng lên quận và lại được trả lời: thông tư qui định sau khi đăng công báo 15 ngày thì hướng dẫn trên mới có hiệu lực và khuyên bà nên tiếp tục chờ. Bà đã phải chờ đợi rất lâu mới có được giấy hồng hợp pháp nhưng nay không thể cầm cố, thế chấp được. Do đó, bà đề nghị trả lại giấy hồng mới và xin nhận lại bộ hồ sơ đã nộp trước đây (hồ sơ hợp lệ) và không cần thế chấp nữa. Trước tình hình trên, trưởng phòng tài nguyên -môi trường quận trên cho biết đã đề xuất thường trực UBND quận và được đồng ý cho thực hiện đăng ký thế chấp theo qui định mới, bằng cách xác nhận vào đơn đăng ký và cập nhật biến động vào sổ địa chính. “Vì nếu tiếp tục chờ sẽ dẫn đến ách tắc hàng loạt hồ sơ, người dân không vay tiền được”, trưởng phòng tài nguyên - môi trường quận này nói.

Quận làm, quận không

Theo ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường quận Tân Bình, trong vòng ba tuần qua, kể từ khi ngưng ghi nhận đăng ký thế chấp bằng trang bổ sung, tại quận có khoảng 50 trường hợp không thế chấp được nhà đất. Quận cũng chưa nhận được thông báo nào từ phía các ngân hàng đề nghị kiểm tra thông tin về nhà đất để các ngân hàng cho vay. Ông Tuấn cũng nói những ngày qua người dân đến quận yêu cầu cung cấp thông tin về nhà đất tăng lên gấp nhiều lần so với trước đó. Theo qui định, trong vòng năm ngày quận phải cung cấp thông tin cho người dân, nhưng nếu sắp tới nhu cầu tăng lên thì quận phải thêm người.

Trong khi đó, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường quận Tân Phú Nguyễn Thị Ngọc Khuê cho biết mỗi ngày tại quận có từ 60-80 trường hợp đăng ký thế chấp, xóa thế chấp nhà đất, thậm chí có ngày lên đến cả trăm trường hợp. Nếu ngưng thế chấp sẽ ách tắc hồ sơ rất lớn. Vì vậy quận vẫn đăng ký thế chấp bằng cách xác nhận vào đơn của người dân. Theo bà Khuê, thông báo của UBND TP chỉ yêu cầu tạm ngưng ghi nhận đăng ký bằng trang bổ sung vào giấy hồng, không yêu cầu ngưng các hình thức đăng ký thế chấp khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều quận huyện đã “án binh bất động” trong chuyện đăng ký thế chấp và chờ hướng dẫn mới từ các cơ quan chức năng mới thực hiện, khiến người dân thêm khó khăn.

Xóa thế chấp, nợ vẫn còn treo

Đề cập về cách hướng dẫn đăng ký thế chấp mới của liên bộ, các phòng tài nguyên - môi trường cho rằng sẽ gặp trục trặc. Thứ nhất là việc đăng ký giữa các loại giấy khác nhau: giấy đỏ (cấp theo nghị định 181) và các loại giấy trắng sẽ đăng ký bằng trang bổ sung kèm theo hoặc ghi nhận trực tiếp trên giấy, trong khi đó các loại giấy hồng cũ, giấy hồng mới thì đăng ký vào sổ địa chính. Tuy nhiên theo trưởng phòng tài nguyên - môi trường một quận, một phát sinh khác rắc rối hơn khi thông tư hướng dẫn yêu cầu: các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không được ghi nội dung đăng ký thế chấp, chỉnh lý việc đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp, không được lập trang bổ sung kèm theo các loại giấy hồng cũ (cấp theo nghị định 60), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (cấp theo nghị định 95) và giấy hồng mới (cấp theo nghị định 90).

Với cách làm trên, rất nhiều giấy chứng nhận cấp theo các qui định trên trước đây nếu đã ghi nhận đăng ký thế chấp trực tiếp trên giấy hoặc kèm theo trang bổ sung, nay sẽ không được xóa thế chấp trên những giấy này. Việc xóa thế chấp sẽ kèm theo một giấy xác nhận riêng và có thêm một giấy xác nhận nữa. Như vậy dù các giấy trên đã được “giải nợ” nhưng thực tế trên giấy thì nợ vẫn còn “treo”, gây phiền phức cho người dân trong quá trình giao dịch, cầm cố...


PHÚC HUY
(Theo Tuổi Trẻ)