Ngày 22.5.2007, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Đầu tư 2005: Đánh giá thực tiễn triển khai và kiến nghị các giải pháp”. Tổ thi hành hai luật này đã dự thảo 18 vấn đề vướng mắc, do một số quy định của luật hoặc chưa được hiểu chính xác, hoặc chưa thực sự rõ ràng.
Đăng ký kinh doanh chưa thông thoáng
Theo tổ thi hành luật, đến nay, về tổ chức, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chưa thiết lập thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện vẫn chưa được hình thành, chưa có hướng dẫn về tổ chức, cách thức và lề lối làm việc của Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện trong đăng ký kinh doanh. Thêm vào đó, chức năng đăng ký kinh doanh và đầu tư lại đang bị phân tán không hợp lý, bao gồm: UBND cấp tỉnh, các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và ít nhất 2 đơn vị của Sở Kế hoạch và đầu tư. Sự phân tán đó gây nên khó khăn ngay trong cả những công việc đơn giản nhất như thống nhất về hình thức và nội dung của các hồ sơ đăng ký kinh doanh, mã số đăng ký kinh doanh, kiểm soát tên doanh nghiệp bị trùng hoặc gây nhầm lẫn theo quy định của pháp luật. Thậm chí, nó khiến cho một số thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chưa thể đăng ký được hoặc phải thực hiện với thủ tục phức tạp và tốn kém hơn.
Về thủ tục đăng ký kinh doanh, người đăng ký đang phải ghi ngành nghề muốn kinh doanh theo mã số phân loại ngành, nghề kinh tế quốc dân. Quy định này không phù hợp với Luật Doanh nghiệp: người dân được quyền kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Ngoài ra, việc áp mã số trên thực tế rất khó khăn. Nhiều ngành, nghề đăng ký không có trong danh mục, một số ngành, nghề bị cán bộ đăng ký kinh doanh coi là nhạy cảm. Người đăng ký phải chờ phòng đăng ký kinh doanh xin ý kiến các cơ quan liên quan. Chưa có ý kiến “đồng ý” thì chưa thể đăng ký. Đây thực chất là một loại giấy phép con, không những sai mà kém minh bạch hơn các loại giấy phép khác đã được quy định chính thức khác.
Kẹt chứng chỉ hành nghề
Quy định về chứng chỉ hành nghề của giám đốc và các cá nhân khác trong các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề chưa được giải thích rõ, khiến nó trong nhiều trường hợp đã bó tay doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề, vì một cá nhân không thể có đủ tất cả các loại chứng chỉ hành nghề theo quy định. Ví dụ, công ty cổ phần A kinh doanh dược phẩm, trong đó có bán buôn thuốc. Theo quy định, giám đốc công ty phải có chứng chỉ hành nghề doanh nghiệp bán buôn thuốc, nhưng công ty này còn muốn làm cả xuất nhập khẩu thuốc, kiểm nghiệm thuốc. Thế nhưng, theo quy định trong chứng chỉ hành nghề dược thì mỗi người chỉ được hoạt động về một loại hình mà thôi.
Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo cũng đề cập đến những ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề và đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, phần chứng chỉ hành nghề của người nước ngoài vẫn bị bỏ trống. Dự thảo cũng hướng dẫn nhiều vấn đề mà tổ thi hành luật Doanh nghiệp và Đầu tư đánh giá là “vướng” như trình tự - thủ tục thực hiện các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam... Vấn đề là làm sao để nó nhanh chóng ra đời vì rất nhiều doanh nghiệp đang ngóng cổ đợi hay hồ sơ đang bị “ngâm” ở các cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nguyên Lê
(Theo SGTT)
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: