Top

Đăng ký thế chấp nhà đất: Đơn giản hơn, nhưng vẫn chưa yên tâm

Cập nhật 23/05/2007 14:00

TT - Vướng mắc trong đăng ký thế chấp nhà đất tạm thời được tháo gỡ khi các bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên - môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề này.

Theo đó, cơ quan chức năng chỉ đăng ký thế chấp nhà ở khi có yêu cầu của một trong hai bên ký kết hợp đồng thế chấp nhà ở. Trường hợp đăng ký thế chấp nhà ở theo qui định về phá sản thì người yêu cầu đăng ký có thể là tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) sẽ đăng ký nếu thế chấp cả nhà và đất. Khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hợp lệ, VPĐKQSDĐ ghi nhận nội dung đăng ký thế chấp vào sổ địa chính và theo dõi biến động đất đai. Thông tư cũng lưu ý VPĐKQSDĐ không ghi nội dung đăng ký thế chấp, chỉnh lý việc đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp và cũng không lập trang bổ sung kèm theo các loại giấy tờ sau: giấy hồng cũ cấp theo nghị định 60, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo nghị định 95, giấy hồng mới theo nghị định 90. Ngoài ra, VPĐKQSDĐ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc đăng ký thế chấp cho cơ quan cấp giấy. Tổ chức, cá nhân có quyền tìm hiểu thông tin về thế chấp nhà ở tại các VPĐKQSDĐ.

Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo. Những trường hợp đã đăng ký thế chấp trước đây nay không phải đăng ký lại theo thông tư này.

Qui trình trên đơn giản hơn so với hướng dẫn của nghị định 90 là sau khi ký kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở biết việc thế chấp. Nếu phát hiện chủ sở hữu đã dùng nhà ở thế chấp tại một tổ chức tín dụng khác thì cơ quan quản lý nhà phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

Tuy nhiên, một số cán bộ liên quan cho rằng qui trình mới vẫn phức tạp hơn so với cách đăng ký mà UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng là việc đăng ký thực hiện trên trang bổ sung, kèm theo giấy hồng mới (như giấy đỏ cấp theo nghị định 181). Cách này giúp người thế chấp, mua nhà đất có thể nhận biết ngay về tình trạng nhà đất.

Các VPĐKQSDĐ cho rằng như vậy sắp tới sẽ có hai cách đăng ký thế chấp: nhà gắn với đất đăng ký theo hướng dẫn trên, còn đất thì đăng ký theo nghị định 181 (ghi nhận trên trang bổ sung kèm theo giấy đỏ). Về lâu dài cần thống nhất một qui trình đăng ký để dễ thực hiện hơn. Còn các ngân hàng nói rằng với việc đăng ký vào sổ địa chính, người có nhu cầu tìm hiểu thông tin về nhà đất phải làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng cung cấp, phải thêm thủ tục và mất thời gian.

P.P.H.
(Theo Tuổi Trẻ)