Top

Ông hoàng bất động sản Hong Kong (phần 3)

Cập nhật 09/05/2008 13:00

Trong một thương vụ năm 1973, Lý đã mua lại một bất động sản mang tên Ngôi nhà Regent trên đường Nữ hoàng tại khu Trung tâm Hong Kong với giá 16 triệu đôla Hong Kong. Ông dự định sẽ quy hoạch lại nơi này trong vòng ba năm. Hiển nhiên là việc đầu tư vốn trong quãng thời gian dài như thế sẽ không mang lại lợi nhuận gì mà trái lại, trên thực tế công ty sẽ phải chịu lỗ một khoản tiền lên tới 13,8 triệu đôla Hong Kong. Lý quyết định loại bỏ phương án này. Thay vào đó, ông lựa chọn phương án cho thuê.

Đến năm 1974, chỉ trong vòng một năm sau khi Lý Gia Thành ra quyết định, thu nhập từ việc cho thuê Ngôi nhà Regent đã mang về cho ông tới 4,6 triệu đôla Hong Kong so với mức ban đầu chỉ có 3 triệu đôla Hong Kong.

Tuy nhiên, niềm hứng khởi trước sự lớn mạnh của Tập đoàn Trường Giang vào đầu thập niên 70 đã bị cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp dầu lửa chặn lại. Các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa cắt giảm nguồn cung cấp và nâng giá xăng dầu. Giá năng lượng và nhựa tăng vọt đã đẩy các nhà sản xuất trong nước đến bước phá sản. Với lượng tiền lưu thông dư dả, Lý Gia Thành lúc nào cũng có thể mua nguồn nguyên nhiên liệu trực tiếp từ các nhà phân phối nước ngoài, nhưng ông vẫn phải đối mặt với một vấn đề là phải bán tống số nhựa đang có với mức giá chỉ bằng 50% giá các nhà sản xuất chào bán trên thị trường.

Lý do không chỉ bởi Lý không còn thấy hứng thú với việc kinh doanh đồ nhựa, mà còn do một nguyên nhân khác, ông cho rằng “công nghệ sản xuất nhựa ngày càng dễ bắt chước”. Trên thực tế, từ sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, ông ngày càng đầu tư ít thời gian và sức lực vào việc kinh doanh mặt hàng nhựa, thay vào đó ông tập trung vào các giao dịch bất động sản. Một đồng nghiệp kinh doanh thiết bị văn phòng nhớ lại một lần tới thăm Lý vào một ngày đặc biệt, khi lợi nhuận từ việc kinh doanh đồ nhựa của ông ngày càng ít đi.

Ông chỉ có thể tìm thấy Lý trong một phòng ngủ nhỏ tại nhà máy, cắm cúi bên những cái cân bằng đồng thau, đong đếm từng cánh hoa nhựa để làm thành một cành hoa giả, với hy vọng tối đa hóa lợi nhuận bằng việc giảm thiểu chi phí sản xuất và vận chuyển. Trong khi vẫn miệt mài tìm ra tỷ lệ hoàn hảo nhất, ông lắc đầu và nhận xét một cách lơ đãng: “Hoa nhựa không còn là lĩnh vực béo bở để kinh doanh nữa. Đã đến lúc phải chuyển sang bất động sản rồi.” Rất lâu sau đó, thương gia này cay đắng nói: “Một thập niên sau, tôi vẫn tiếp tục kinh doanh thiết bị văn phòng với chỉ vài xu tiền lãi, còn ông ấy thì đã trở thành một đại tỷ phú”.

Mặc dù ngay từ cuối thập niên 60, Lý đã không còn nghĩ đến việc kinh doanh đồ nhựa nhưng mãi đến năm 1973, ông mới chính thức tách riêng việc kinh doanh đồ nhựa bằng việc thuê Edwin Leissner, một thương gia người Mỹ, trông nom hoạt động hàng ngày của nhà máy. Thêm vào đó, ông đã nhượng lại miễn phí hạn ngạch sản xuất nhựa cho nhà sản xuất nào muốn có.

Tại Hong Kong, hạn ngạch là điều kiện cần thiết cho bất cứ ai muốn làm kinh doanh. Một công ty mua được càng nhiều hạn ngạch từ chính phủ thì càng được kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Bằng hành động này, Lý Gia Thành đã chính thức tuyên bố rằng những ngày tháng làm “ông vua hoa nhựa” của ông đã kết thúc. Ông đã tìm được một lĩnh vực khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn để đầu tư.

Tập trung vào công việc kinh doanh nhà đất trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng dầu lửa năm 1973, Lý Gia Thành đã mở rộng hướng phát triển vào nhà kho, nhà máy, văn phòng và nhà ở. Ông cũng đã sẵn sàng cho quan hệ hợp tác lâu dài và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận với Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada (CIBC), nơi ông sẽ chỉ mua lại dưới 10% cổ phần.

Lý và CIBC muốn thành lập một công ty liên doanh đầu tư mạo hiểm mang tên Canadian Eastern Finance Limited. Công ty này sẽ cung cấp các nguồn hợp tác tài chính, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và dịch vụ quản lý vốn đầu tư. Thứ mà Lý đạt được khi hợp tác với tập đoàn tài chính này là quyền sở hữu một phần một ngân hàng có vị thế vô cùng quan trọng. Còn với CIBC, ngân hàng này đã chọn được đúng nhà doanh nghiệp châu Á thành đạt nhất.

Năm 1975, hai đối tác đã tiến hành thử nghiệm việc hợp tác trong một vụ giao dịch bất động sản - mua lại khu đất dọc cảng Hong Kong tại quận Cực Bắc với giá 85 triệu đôla Hong Kong. Trong số 77.760 m2 diện tích, 4.770 m2 được sử dụng để xây dựng 10 khu nhà ở sang trọng, mỗi khu cao 24 tầng. Phần diện tích còn lại dành cho các khu vui chơi giải trí, bể bơi và các khu thể thao.

Đến năm 1978, tất cả các khu đều được bán hết. Đối với Ngân hàng CIBC, việc đầu tư vào thị trường bất động sản có tính rủi ro cao ngay dưới tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu lửa là một bước đi mạo hiểm. Tuy nhiên, điều này cũng chứng minh được khả năng dự đoán thị trường khu vực và châu Á của Lý Gia Thành là rất đáng tin cậy.

Vào thời gian Lý và Ngân hàng CIBC hợp tác với nhau năm 1975, việc kinh doanh của ông đã đi vào guồng trôi chảy. Cho dù lợi nhuận của Tập đoàn Trường Giang bị giảm xuống mức 6% doanh thu, tương đương 45,6 triệu đôla Hong Kong thì Lý Gia Thành vẫn đang đứng giữa một thị trường có nhu cầu mua sắm rất cao, điều này sẽ giúp nâng giá trị thị trường của Tập đoàn Trường Giang từ 120 triệu lên 530 triệu đôla Hong Kong.

Một điều chắc chắn rằng, nếu như cuối năm 1975 Tập đoàn Trường Giang mới chỉ sở hữu xấp xỉ 459.000 m2 bất động sản tư nhân và thương mại, thì đến cuối năm tiếp theo con số này đã lên tới 571.500 m2, trong đó 9,4 triệu km2 là nhà ở, phần còn lại là đất thương mại và công nghiệp. Lợi nhuận năm 1976 cũng tăng hơn so với năm trước, lên mức 58,8 triệu đôla Hong Kong, tương ứng 29% doanh thu. Đến cuối năm 1977, lợi nhuận của Tập đoàn Trường Giang lại tiếp tục tăng lên mức 85,55 triệu đôla Hong Kong, tăng 45% so với năm 1976.

Tính đến năm 1977, Lý Gia Thành đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh bất động sản. Hiện tại ông sở hữu rất nhiều bất động sản quan trọng như 388.000 km2 khu vườn Tiger Balm nổi tiếng và Tập đoàn Wynncor Ltd. - một tập đoàn khách sạn sở hữu khách sạn Hilton Hong Kong, một dãy phố mua sắm và phần lớn cổ phần của khách sạn Bali Hyatt gồm 400 phòng. Lý vẫn đang tiếp tục củng cố danh tiếng “ông hoàng bất động sản”, “doanh nhân có bàn tay vàng”.

Năm 1978, Lý Gia Thành và Tập đoàn Trường Giang có cơ hội phát triển. Năm đó, tập đoàn đã mua lại 22% cổ phần của Công ty Green Island Cement để Trường Giang không phải phụ thuộc vào các nhà thầu bên ngoài. Năm sau, Tập đoàn Trường Giang mua lại 20% cổ phần của Trung tâm Hội nghị Suntec City và cùng với bốn nhà kinh doanh bất động sản khác xây dựng một tòa nhà văn phòng tại bến tàu Macau Ferry.

Đến năm 1979, lợi nhuận đã đạt xấp xỉ 254,1 triệu đôla Hong Kong, tăng 91,6% so với năm trước. Cũng vào năm này, Lý Gia Thành trở thành ông chủ nhà đất tư nhân lớn nhất Hong Kong. Chỉ duy nhất chính phủ thuộc địa là sở hữu nhiều bất động sản hơn ông.

Điều thú vị là trong số tất cả các cuộc giao dịch bất động sản mà Lý thực hiện trong hơn hai thập niên qua thì cuộc giao dịch quan trọng nhất lại là cuộc giao dịch đầu tiên - nhà máy ở quận Cực Bắc. Lý thật sự rất cẩn trọng khi giữ lại quyền sở hữu bất động sản đầu tiên này.

Không giống như các thương gia thành đạt phương Tây, những người có thể đốt bỏ tờ một đôla đầu tiên kiếm được, các thương gia Trung Quốc thường có truyền thống giữ lại hiện vật của cuộc giao dịch đầu tiên - không hẳn do mê tín mà đó vốn là truyền thống từ xưa của người Trung Quốc. Nếu việc kinh doanh của một thương gia thành công tốt đẹp, ông ta sẽ khiêm tốn cho rằng thành công đó là do tập tục truyền thống này mang lại. Còn nếu thất bại, mọi người sẽ cho rằng ông ta là kẻ không có năng lực.

Nhưng Lý Gia Thành không cần phải lo lắng về công việc kinh doanh của mình. Thực tế, năm 1979 đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng ông có thể vượt lên cái nghèo để bước chân vào thiên đường của những đại gia siêu giàu có. Hiện tại, Lý đang tự mình thành lập một liên minh thương mại lớn và chuẩn bị thực hiện điều mà chưa một thương gia Trung Quốc nào từng làm được. Ông sắp sửa sở hữu một công ty thương mại.

>Ông hoàng bất động sản Hong Kong (phần 2).

Theo VnExpress