Top

Ông hoàng bất động sản Hong Kong (phần 2)

Cập nhật 09/05/2008 10:00

Lý Gia Thành không phải là người liều lĩnh trong cuộc chơi đầu tư bất động sản. Ông thường làm ăn với một đối tác, người chủ đất, để chia sẻ kinh phí và lợi nhuận. Bằng cách này, người chủ đất có thể nhận được nhiều hơn số tiền bán đất ban đầu. Trong các dự án chung, Lý không bao giờ đặt tiền trước nhằm giảm thiểu rủi ro. Trong kinh doanh bất động sản, những mối quan hệ làm ăn và quan hệ bạn bè được Lý coi trọng ngang nhau.

Cuối thập niên 1980, trong thương vụ mua đất khu Expo 86 tại Vancouver, một trong những thỏa thuận bất động sản lớn nhất, Lý Gia Thành đã phát biểu: "Tôi thích những thỏa thuận thân thiện. Tôi thích những người gặp tôi vì mục đích làm ăn. Đó là triết lý của tôi. Và tôi thường dạy hai cậu con trai không bao giờ được lợi dụng một ai. Ngay cả khi hoạt động kinh doanh còn chưa phát triển, tôi vẫn coi danh tiếng là của cải quan trọng nhất. Nếu anh có danh tiếng, chăm chỉ, tử tế với mọi người, luôn giữ lời hứa, việc kinh doanh của anh sẽ trở nên dễ dàng. Vì vậy, nhiều cơ hội đã đến với tôi. Tôi phải gây dựng danh tiếng để mọi người có thể tin tưởng mình… Bất cứ điều gì tôi nói, tôi sẽ làm. Tôi không chỉ nghĩ đến lợi nhuận của cá nhân mình mà còn nghĩ đến cả phần của đối tác".

Thực tế, bằng nỗ lực mua được khu đất Vancouver với giá hời và giành được sự chấp thuận cho thay đổi diện mạo của khu cảng thành phố, ông chắc chắn sẽ nhắm tới những hợp đồng béo bở với các đối tác lâu năm đầy tin tưởng là Trịnh Dụ Đồng của New World Development, Lý Triệu Cơ của Henderson Land và Ngân hàng CIBC.

Cuối thập niên 60, Lý Gia Thành đã thể hiện rõ khả năng giành được các thỏa thuận bất động sản trong thời kỳ “Đại Cách mạng Văn hóa”, một phong trào kết thúc bằng việc chia cắt Trung Quốc thành các lực lượng thù địch và mở ra cuộc cách mạng kinh tế tư bản - xã hội của Đặng Tiểu Bình vào cuối thập niên 70.

Tuy chưa bao giờ công nhận đã tham gia vào chính trường Hong Kong hay Trung Quốc nhưng Lý đã chứng tỏ mình là một quan sát viên thời cuộc sắc sảo. Với ông, chính trị chỉ là một trở ngại tiềm ẩn đối với công việc kinh doanh, không hơn không kém. Và như đã khẳng định trong triết lý dẫn đường trong sự nghiệp kinh doanh, đối với Lý Gia Thành, cách vượt qua trở ngại mới nói lên một doanh nhân tài ba.

Trong giai đoạn 1966-1967, ở Hong Kong, nền chính trị đầy biến động đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế. Nhiều người dân và thương nhân đã bỏ trốn khỏi vùng thuộc địa. Họ chạy trốn tới những nước xa xôi và an toàn như Canada, Australia và Mỹ. Kết quả là thương trường nơi đây trở nên bất ổn, các nhà đầu tư lo sợ sẽ mất mọi thứ. Với những nhà kinh doanh bất động sản như Lý Gia Thành, tình trạng này đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bất động sản. Ngay cả ông cũng bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài như một bước đệm để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc cách mạng. Ông thực hiện cuộc mua bán bất động sản đầu tiên tại Canada với thương vụ mua Trung tâm mua sắm Vancouver ngay khi bất ổn chính trị tại Hong Kong kết thúc.

Tuy nhiên, Lý Gia Thành không rút hết vốn tại Hong Kong. Trên thực tế, ông đã có ý định tận dụng một số cơ hội mà cuộc cách mạng mang tới. Khi vội vã chạy trốn khỏi Hong Kong, người ta đã bỏ lại sau lưng tất cả nhà xưởng, cửa hàng, khách sạn và nhà ở. Tất cả đều được bán với mức giá rẻ mạt khi thị trường ngày càng rớt giá. Đối với Lý Gia Thành, người luôn tin rằng cuộc cách mạng sẽ chỉ như một đốm sáng trên màn hình ra-đa chính trị của Trung Quốc và Hong Kong, thì đây chính là cơ hội để xem xét cả một danh mục những lời chào mua và lựa chọn những gì ông cho rằng sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất sau khi trật tự trở về với vùng thuộc địa và thị trường lại hứa hẹn như trước.

Lý đã xúc tiến việc mua bán bất động sản trong suốt thời gian cuộc cách mạng bùng nổ. Nhờ đó, ông trở thành một trong những đại gia bất động sản hàng đầu Hong Kong, đến mức vào năm 1973 - bốn năm sau khi cuộc cách mạng kết thúc - Tập đoàn Trường Giang của Lý Gia Thành đã nắm trong tay 40 khu đất trong danh mục đầu tư bất động sản thực tế của mình. Một ủy viên ban quản trị tại Hong Kong đã nói về những ngày tháng của Lý Gia Thành khi cuộc cách mạng diễn ra như sau: “Ông Lý hiểu rất rõ về thị trường bất động sản. Ông ấy đã mua lại mọi thứ trước khi giá cả bùng nổ và bán đi ngay trong quãng thời gian ấy.”

Lý Gia Thành có một bí quyết đơn giản cho những thành công về mặt tài chính. Ông nói: “Một người cần nhiều phẩm chất quan trọng để thành công, như khả năng làm việc chăm chỉ, lòng trung thành đối với những người làm việc cùng mình và với công việc đang làm, khả năng phán đoán tốt và cả một chút may mắn nữa. Tất cả những phẩm chất này phải kết hợp với lòng kiên định, trong đó lòng kiên định quan trọng nhất, bởi nếu bạn không có lòng kiên định, bạn sẽ có thể hết đi sang phía đông theo lời khuyên của người này, rồi lại sang phía tây vì lời khuyên của người khác. Và nếu như bạn nghe theo cả hai, thì dứt khoát là bạn gặp rắc rối rồi đấy”.

Ông cũng chia sẻ: “Theo cách nói của người Trung Quốc, tôi phải công nhận mình may mắn. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bao giờ tôi cũng nghiên cứu mọi việc rất kỹ - từ nguồn cung, cầu cho đến tình hình chính trị. Một khi đã quyết định, tôi sẽ tiến hành rất nhanh để thâu tóm thị trường vào đúng thời điểm. Các bạn thấy đấy, tôi luôn đeo đồng hồ bấm giờ. Cho dù một cơ hội trông có vẻ tuyệt vời đến đâu thì tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có thể gặp phải.”

Hơn hết thảy, Lý Gia Thành là một thương gia trung thực và thẳng thắn. “Trước khi ký kết bất kỳ văn bản hợp pháp nào, nếu tôi đã nói đồng ý với ai đó thì có nghĩa là đã có sự ràng buộc. Đôi lúc tôi đồng ý quá vội vã và hợp đồng đó chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng tôi vẫn giữ lời hứa. Điều đó mang lại cho tôi sự tin tưởng ở mọi người. Lời nói là vàng.” Ví dụ, vào thập niên 70, ngay khi Lý bắt tay đồng ý bán ngôi nhà Elizabeth tại khu Uyển Tể cho Tập đoàn Inchcape Group thì ông nhận được một lời đề nghị khác có lợi hơn nhiều. Tuy nhiên Lý vẫn giữ chữ tín. Danh dự đã khiến ông từ chối lời đề nghị thứ hai và vẫn tiếp tục cuộc giao dịch mang lại ít lợi nhuận hơn với Tập đoàn Inchcape.

Khi nói chuyện này với các ông chủ Tập đoàn Inchcape, Lý khẳng định: “Một khi tôi đã nói đồng ý, tôi sẽ không bao giờ viện cớ để từ chối về sau.” Quyết định tôn trọng cuộc giao dịch cuối cùng đã đền đáp Lý Gia Thành. Sau này, Tập đoàn Inchcape đã đề nghị ông giúp phát triển khu đất xây dựng tòa nhà Công ty Điện lực Hong Kong - sự sắp xếp mà về sau đã dẫn tới việc Lý Gia Thành mua lại công ty này.

Hiển nhiên là, nếu Lý Gia Thành có ảnh hưởng lớn đến như vậy tới các đối tác làm ăn, thì ông cũng sẽ giành được lòng tin của các nhà đầu tư khắp nơi. Năm 1972, Lý có những kế hoạch lớn hơn cho Trường Giang, vì thế ông cần nhiều tiền hơn. Giải pháp tối ưu là cổ phần hóa Công ty Trường Giang. Do đó, ngày 31/7/1972, sau khi đã vạch rõ kế hoạch cụ thể với sự giúp đỡ của vợ, bà Amy Trương Nguyệt Minh - người trợ lý đắc lực trong các thương vụ của ông, cũng như có được quyền hợp pháp và sự tín nhiệm của Ngân hàng Hong Kong, Lý đã mở cửa công ty bằng việc cho lưu hành 25% cổ phần của Trường Giang trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Hiện nay được biết đến với cái tên Tập đoàn Doanh nghiệp Trường Giang, công ty này đã nhanh chóng có tên trên sàn giao dịch Viễn Đông và sàn giao dịch Vàng bạc. Công ty bắt đầu trao đổi mậu dịch tại London năm 1973 và tại sàn giao dịch chứng khoán Vancouver năm 1974.

Tập đoàn Trường Giang phát triển rất nhanh. Nếu năm 1972, tập đoàn này mới chỉ sở hữu 31.500 m2 bất động sản cho thuê và thu được 3,9 triệu đôla Hong Kong từ việc cho thuê các bất động sản này, thì đến năm 1973 - năm đầu tiên lên danh mục tập trung vốn để tái đầu tư, tập đoàn đã sở hữu tới 40 bất động sản, tính cả các bất động sản tại các khu vực dân cư và khu vực thương mại, tương đương gần 216.000m2. Cho dù Lý Gia Thành thường mua lại một bất động sản, phát triển nó rồi bán đi ngay sau đó, nhưng việc cho thuê bất động sản luôn là một phương án giúp tối đa hóa lượng tiền quay vòng để tái đầu tư.

>Ông hoàng bất động sản Hong Kong (phần 1).

Theo VnExpress