Top

Những công trình XD gây nhiều bức xúc

Cập nhật 27/07/2007 10:00

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng, với tổng mức đầu tư lớn. Do không có biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, các công trình này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân khu vực liền kề. Điển hình rõ nhất của tình trạng này là công trình xây dựng Khách sạn Đồng Lợi ở 94 phố Lý Thường Kiệt và tháp Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam ở 194 phố Trần Quang Khải...


Công trình xây dựng khách sạn Đồng Lợi được khởi công xây dựng từ cuối năm 2006, chủ đầu tư là Cty Du lịch & Thương mại tổng hợp Thăng Long. Việc thi công tòa nhà này do Cty Xây dựng số 1- Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đảm nhiệm. Sau hơn 1 năm, tòa nhà này đã cơ bản xây dựng xong phần thô. Trong thời gian ấy, 42 hộ dân thuộc số nhà 92 phố Lý Thường Kiệt luôn phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. Toàn bộ vỉa hè phía đường Lê Duẩn và Lý Thường Kiệt (khu vực tiếp giáp với công trình) ngổn ngang vật liệu, phế thải xây dựng không còn lối dành cho người đi bộ.


Vì vỉa hè bị băm nát, hệ thống cống tắc nên nước thải tràn ra lênh láng, bốc mùi nồng nặc. Kể từ khi công trình xây dựng khách sạn Đồng Lợi khởi công, người dân tại số nhà 92 ăn không ngon, ngủ không yên bởi tiếng ồn phát ra từ máy ép cọc, máy cưa, cắt vật liệu xây dựng. Vì công trình xây dựng cao tầng nên sau khi hoàn thiện phần móng, nhà cửa của các hộ dân liền kề xảy ra tình trạng lún nứt nghiêm trọng. ảnh hưởng nặng nhất phải kể đến căn hộ của gia đình các ông Dương Văn An, ông Lê Hồng Sơn. Bức tường của hai căn hộ này nứt toác thành từng mảng lớn, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.


Xác định được mức độ nguy hiểm, gia đình ông An phải sơ tán đồ đạc đi nơi khác, kê một chiếc giường ra sát mép cửa nằm để lỡ có bề gì còn kịp thoát hiểm. Sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì nhà đổ, vì ô nhiễm môi trường, đã nhiều lần bà con ở số nhà 92 phố Lý Thường Kiệt gửi đơn kiến nghị UBND phường Cửa Nam có biện pháp giải quyết. Trong cuộc họp do UBND phường tổ chức ngày 5-6-2007, đại diện chủ đầu tư thừa nhận mức độ hư hại của các căn hộ liền kề do ảnh hưởng của việc xây dựng khách sạn Đồng Lợi và hứa sẽ có phương án đền bù.

Đối với một số căn hộ bị hư hỏng nặng, trước mắt phải di chuyển người ra khỏi khu vực nguy hiểm, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ kinh phí thuê nhà. Kết luận cuộc họp thì như thế nhưng thực tế Cty Du lịch & Thương mại tổng hợp Thăng Long vẫn khất lần, không đoái hoài gì đến phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển cho người dân. Số nhà 92 phố Lý Thường Kiệt có 42 hộ dân với hơn trăm nhân khẩu nhưng chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất. Nay, nhà vệ sinh đó đã bị sập do ảnh hưởng của việc xây dựng khách sạn Đồng Lợi càng khiến người dân bức xúc.

Trước thực tế này, chủ đầu tư chấp thuận bỏ kinh phí xây nhà vệ sinh công cộng cho các hộ dân trong số nhà 92. Thế nhưng, vừa xây xong 4 bức tường ngăn, chủ đầu tư bỏ dở dang, để bể phốt cũ mất nắp bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì không còn nhà vệ sinh nên hơn tháng nay, người dân trong số nhà nháo nhác đi tìm chỗ “giải quyết”. Người trẻ khỏe thì chấp nhận quốc bộ sang nhà vệ sinh công cộng của Ga Hà Nội để “đi” nhờ. Người già chỉ còn cách “gói gém” cho vào túi rồi quẳng lên xe rác.


Mặc dù mới khởi công được ít ngày, công trình xây dựng tòa nhà 25 tầng của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam ở 194 phố Trần Quang Khải cũng đang gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT trên tuyến đường này. Vì đang trong giai đoạn ép cọc làm móng, ngoài việc gây tiếng ồn, hàng ngày đơn vị thi công bơm nước bùn đất xả thẳng ra đường, gây bụi bẩn, trơn trượt.




Không biết được sự cho phép của cơ quan nào, đơn vị thi công tòa nhà này chiếm dụng tới 1/3 mặt đường để làm nơi tập kết sắt thép, máy xây dựng. Mỗi lần chiếc cần trục cẩu bó thép dài, xoay ngang, người đi đường lại một phen hú vía bởi nếu không may, sợi cáp của cần trục đứt thì hậu quả thật khó lường.

Để bảo đảm an toàn, tránh gây ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, TTATGT và cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân liền kề công trình, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện đúng các điều khoản được quy định trong giấy phép xây dựng.



Theo Tống Thanh Ngọc - Hà Nội Mới