Top

TPHCM đang quy hoạch ngược và ôm quá nhiều việc

Cập nhật 17/11/2017 15:56

Vấn đề của TPHCM hiện nay là ôm đồm quá nhiều chức năng trong khi nguồn lực có hạn khiến cho TP trở nên quá tải và rất khó để cải thiện. TPHCM phải liên kết tốt với các địa phương trong vùng để giải tỏa các điểm nghẽn về áp lực dân cư, nhà ở, giao thông...

TPHCM cần phải nhìn ra liên kết vùng để phát triển, đó là mình cứu vùng và vùng cứu mình.  Ảnh: N.T

Đây ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo tầm nhìn phát triển đô thị “TPHCM hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt”, diễn ra ngày 17.11.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, quy hoạch phát triển TPHCM hiện nay tương đối bất hợp lý và ngược với những nghiên cứu tối ưu trước đây.

Ông Hòa dẫn chứng, trước năm 1975, quy hoạch vùng Sài Gòn không phát triển về vùng đất yếu như quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ như bây giờ mà phát triển lên hướng Tây Bắc như Củ Chi, Hóc Môn.

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hòa, vấn đề của TPHCM hiện nay là ôm đồm quá nhiều chức năng trong khi nguồn lực có hạn khiến cho TPHCM trở nên quá tải và rất khó để cải thiện. Vì vậy, TPHCM phải liên kết tốt với các địa phương trong vùng để giải tỏa các điểm nghẽn về áp lực dân cư, nhà ở, giao thông...

“Tôi cho rằng TPHCM không nhất thiết phải trở thành một siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới, mà nên liên kết vùng, phát triển các đô thị xung quanh. Nếu chúng ta liên kết vùng tốt thì Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang hỗ trợ rất tốt, bởi nhà ở xã hội ở các nơi này rất nhiều mà không bán được. Không nên ôm quá nhiều việc làm tại TPHCM, để dồn toàn bộ lao động nhập cư vào, gây nên áp lực lớn” – ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hậu – Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho rằng: TPHCM cần mở rộng mô hình các đô thị vệ tinh xung quanh nhằm giảm áp lực về dân số. Tuy nhiên, hiện tại sự khác biệt cơ chế sở hữu đất đai đang là rào cản lớn nhất để TPHCM mở rộng liên kết vùng. “Chừng nào còn nặng tư tưởng sử dụng đất đai theo kiểu đất của tỉnh tôi thì tôi phát triển, thì quy hoạch vùng không thể phát triển được” - TS Hậu – nói.

Theo TS Võ Kim Cương – nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, một thành phố lớn như TPHCM mà chưa làm được quy hoạch chiến lược bài bản. "Mỗi người làm một mảng, kinh tế làm một kiểu, đô thị làm một cách, văn hóa làm một hướng… thì rất khó để phát triển đồng bộ. Cần phải làm trình tự từ quy hoạch chung đến chi tiết rồi huy động nguồn lực để đầu tư phát triển" – TS Võ Kim Cương – nhấn mạnh.

Còn KTS Khương Văn Mười – Phó Chủ tịch hội KTS Việt Nam cho rằng, TPHCM cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế để điều chỉnh hướng phát triển cho đúng. Trước mắt, TPHCM phải tập trung giải quyết ngay bài toán giao thông và ngập nước. 


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động