Top

Số tầng chung cư, chuyện nhỏ thành lớn

Cập nhật 23/01/2018 08:38

Xuất phát từ sự khác biệt giữa quan điểm đánh số tầng của từng địa phương, của từng chủ đầu tư mà chuyện tưởng đơn giản này cũng trở nên phức tạp hơn.

Mếu dở vì loạn tầng

Theo quan niệm dân gian, con số 13 được xem là con số mang lại điều xui xẻo, không chỉ với người Việt Nam, mà cả trên thế giới. Vì vậy, trong các dự án chung cư, những căn hộ tầng 13 cũng được cho là những căn hộ bị khó bán nhất.

Để né vấn đề này, không ít chủ đầu tư xin cấp căn hộ theo kiểu tầng 12A (thay cho tầng 13), hay thậm chí là bỏ luôn đánh tầng 13, mà đánh thẳng thành tầng 14. Từ đây, nhiều rắc rối đã xảy ra.

Chẳng hạn, tháng 12/2016, khi chủ đầu tư Chung cư Idico Tân Phú, quận Tân Phú (TP.HCM) bàn giao căn hộ, nhiều cư dân đã thắc mắc về số tầng. Theo đó, chủ đầu tư bỏ qua số 13, đánh số tầng 13 thành tầng 14 và các tầng trên cũng được tịnh tiến theo 1 số. Việc này bị các cư dân phản đối, vì cho rằng dễ gây nhầm lẫn địa chỉ nhà từ tầng 14 trở lên.

Mặt khác, các cư dân cho rằng, khi mua nhà họ đã chọn căn hộ có số đẹp, số trùng, số 9 nút..., như 14.14, 15.15, hay các số tiến như 16.17, 17.18... Nếu chủ đầu tư “nhảy” tầng 13, thì căn hộ của họ mang số không như ý muốn. Cư dân yêu cầu phải giữ đúng số nhà như trên hợp đồng. Cuối cùng tầng 13 được đánh số là 12A để không ảnh hưởng đến các tầng khác.

Tương tự, tại Hà Nội, một khu phức hợp cao cấp trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cũng gặp rắc rối vì né tầng 13. Cụ thể, chủ đầu tư đánh số tầng 12B thay cho tầng 13, khiến nhiều người nhầm lẫn khi đi thang máy, bởi họ đinh ninh tầng 12A là để chỉ tầng 13.

Cũng liên quan đến câu chuyện tên tầng, mới đây, nhiều người dân tại một chung cư trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cũng hoang mang khi chủ đầu tư xin ý kiến về việc thay đổi tên tầng thương mại. Cụ thể, theo tên ban đầu, khu trung tâm thương mại có 3 tầng có tên là L, M, S, số căn hộ là A, B, C, D. Tuy nhiên, khi làm thủ tục pháp lý để gấp sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư được hướng dẫn số tầng và số căn hộ phải ghi bằng số.


Các chung cư hiện nay đa số đều né ghi tên tầng 13

Để giải quyết vấn đề này, cuối năm 2017, cư dân, chủ đầu tư và nhà thầu đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất lại phương án đặt tên tầng, tên căn hộ, đồng thời tiến hành điều chỉnh số tầng ghi trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, việc này gặp phải sự phản đổi của nhiều cư dân khi cho rằng, việc tăng số tầng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi và cho rằng, chủ đầu tư không tôn trọng cam kết với khách hàng.
Vì sao phải né?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, dù quan điểm hay nhu cầu nào, nhưng đến nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào thể hiện tầng 13 của một dự án (vẫn cấp căn hộ mang tên tầng 13) bị ế. Việc tránh tên tầng 13 dường như chỉ xuất phát từ tâm lý của chủ đầu tư. Về bản chất, dù thay tên gọi, nhưng tầng 13 vẫn là tầng 13, nó chỉ có ý nghĩa theo kiểu “chấn” phong thủy.

Ở góc độ pháp lý, theo ông Phượng, căn cứ vào một số văn bản tại các địa phương về cấp số nhà, có thể khẳng định, việc chủ đầu tư né tầng 13 bằng việc tên là 12A hay bỏ luôn tầng 13 đều là việc thực hiện sai quy định pháp luật của cơ quan phê duyệt, cấp số nhà cho chung cư, cụ thể là Quyết định 22/2012/QĐ-UBND của UBND TP.HCM và Quyết định 04/2014/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của UBND TP. Hà Nội.

Theo pháp lý, “nhu cầu” của chủ đầu tư về việc né tầng 13 là khó được chấp nhận, vì việc ban hành văn bản không thể dựa vào những quan điểm, quan niệm như vậy. Bởi lẽ, theo quy định cấp số nhà cho chung cư cao tầng hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường các địa phương sẽ căn cứ vào thiết kế chi tiết và bản vẽ của tòa nhà để cấp số nhà theo thứ tự. Do đó, dù muốn hay không, trong giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ vẫn sẽ có trường hợp bắt buộc phải ghi số nhà có con số 13.

“Dù chủ đầu tư có né con số 13 bằng thủ thuật nào đi chăng nữa, khách hàng vẫn biết điều này, vấn đề là họ có chấp nhận hay không mà thôi, nên chủ đầu tư cần phải trung thực với khách hàng ngay từ đầu”, ông Phượng nói.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Thành Nhân, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần ACC - Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà nội) cho biết, việc đổi tên tầng nằm ngoài ý muốn của chủ đầu tư. Ngoại trừ trường hợp chủ đầu tư cố ý đặt tên tầng sai trong hợp đồng nhằm lừa dối cư dân, còn với chủ đầu chuyên nghiệp, họ không hề muốn nhầm lẫn với khách hàng, bởi nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người mua nhà khi tiến hành làm sổ đỏ. Do đó, nếu có nhầm lẫn thì phải nhanh chóng tiến hành biện pháp khắc phục và trao đổi với khách hàng để đảm bảo quyền lợi của họ.

Lấy ví dụ về Dự án Artemis, ông Nhân cho biết, thời gian vừa qua, sau khi bàn giao nhà, chủ đầu tư phát hiện việc sai lệch về số tầng trong hợp đồng của nhiều khách hàng. Xuất phát từ cách hiểu của cơ quan quản lý nhà nước với tầng thương mại khác biệt so với cách hiểu của chủ đầu tư khi lập phương án thiết kế kiến trúc, nên chủ đầu tư phải điều chỉnh lại cho đúng chuẩn mực. Điều này cũng đã được nhân viên kinh doanh trao đổi từ khi ký hợp đồng, thế nhưng, sơ suất là đã không điều chỉnh lại ngay dẫn đến việc phải điều chỉnh lại toàn bộ hợp đồng cũ.

"Việc làm này thực tế không hề ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua nhà, vì chúng tôi đều xây dựng theo đúng thiết kế phê duyệt, không thêm tầng hay bớt tầng. Sản phẩm chúng tôi bàn giao vẫn là căn hộ theo đúng thiết kế mà khách hàng đã lựa chọn. Tuy nhiên, nếu để tên cũ sẽ ảnh hưởng tới quá trình cấp sổ đỏ, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.

Vì thế, chúng tôi đã phải trao đổi thẳng với cư dân về vấn đề này để họ hiểu và chấp nhận hoàn thiện lại hợp đồng cho phù hợp", ông Nhân nói và nhấn mạnh, cũng cần phải có cách giải thích và sự hợp tác giữa cư dân mới đảm bảo việc thay đổi không xảy ra những rủi ro không đáng có.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản