Top

Nâng cấp, cải tạo nhà chung cư cũ:

Cần điều tiết bằng cơ chế phù hợp

Cập nhật 17/11/2009 13:55

Dãy nhà A1 - Chung cư cũ Thành Công. Ảnh: Đàm Duy

Tại các đô thị lớn trong cả nước, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có lượng lớn các nhà chung cư cũ (NCCC) xây dựng từ những năm 60, 70 thế kỷ trước. Những NCCC này đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được nâng cấp, cải tạo điều kiện sống cho người dân, chỉnh trang bộ mặt đô thị theo hướng hiện đại và đồng bộ…

Theo Nghị quyết 34 của Chính phủ, phấu đấu đến năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, công tác này tiến triển rất chậm và phức tạp. Vậy, giải bài toán này như thế nào? PV báo Hà Nội Mới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về vấn đề này.

* Chúng ta đang gấp rút nâng cấp, cải tạo các NCCC. Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng của công tác này?

Việc nâng cấp, cải tạo NCCC ở các đô thị lớn đang triển khai và vấp phải nhiều vướng mắc. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về công tác này, Hà Nội cũng đã có Quyết định số 48 nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Chính phủ. Trên thực tế, một số dự án đã được triển khai ở các khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Giảng Võ… nhưng chủ yếu mới là những khối nhà riêng lẻ.

Đến năm 2015 mục tiêu phải giải quyết cơ bản việc nâng cấp, cải tạo các NCCC để chỉnh trang bộ mặt đô thị, bảo đảm cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn rất chậm do các địa phương và DN gặp phải những khó khăn. Chúng tôi đang xem xét để đề xuất điều chỉnh một số cơ chế chính sách cho phù hợp, đồng thời mang tính khả thi và cách tổ chức thực hiện được nhanh gọn, quyết liệt hơn.

* Theo Thứ trưởng, vấn đề mấu chốt để giải bài toán nâng cấp, cải tạo các NCCC hiện nay là gì?

Vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là giãn dân hay tái định cư (TĐC) tại chỗ? TĐC tại chỗ do nhiều lý do khách quan và chủ quan đang là nhu cầu của đa số người dân. Các chính sách hiện nay cũng được xây dựng thiên về hướng này. Tuy nhiên, nguồn vốn để cải tạo NCCC chủ yếu dựa vào xã hội hóa, nên để bảo đảm cân đối tài chính các chủ đầu tư phải nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất. Điều này làm tăng mật độ dân số, tăng áp lực cho hạ tầng xã hội, tạo nên các "nút cổ chai" giao thông, đi ngược lại với xu hướng phát triển đô thị, không bảo đảm yếu tố phát triển bền vững. Nếu TĐC theo hình thức giãn dân ra các nơi ở mới, chuyển đổi và xây dựng lại các NCCC, chúng ta sẽ có một diện mạo đô thị đẹp, đồng bộ hơn. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ gặp nhiều trở ngại. Muốn giải bài toán này cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện cho người dân, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa vấn đề nhà ở và công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng tình.

Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân. Một số dự án đơn lẻ thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy nhiều bất cập. Cần có chính sách thực hiện đồng bộ cho tất cả các khu chung cư cũ. Việc DN tự thỏa thuận với dân vượt khung giá quy định ở một số vị trí "đắc địa" sẽ gây khó khăn cho các DN khác khi thực hiện ở các khu vực không thuận tiện. Và cuối cùng, điều quan trọng là hiện nay chúng ta cần có quy hoạch tổng thể. Không thể làm đơn lẻ, manh mún, tránh tình trạng các chung cư có vị trí tốt được làm trước, những khu sau rất khó thực hiện. Trong một dự án lớn, có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia, nhưng đều thực hiện và khớp nối trong một quy hoạch tổng thể.

* Vậy, theo ông chúng ta nên thực hiện việc tái định cư như thế nào?

Quan điểm dùng nguồn vốn xã hội hóa để nâng cấp, cải tạo NCCC là đúng đắn, song điều đó không có nghĩa là Nhà nước đứng ngoài cuộc để cho các DN và người dân tự giải quyết. Nhà nước cần điều tiết bằng những cơ chế chính sách phù hợp.

Nếu TĐC tại chỗ, bài toán cân đối tài chính gặp khó khăn. Nếu TĐC theo hướng giãn dân ra một khu vực khác, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng khu ở cũ thì bộ mặt nội đô ở các khu chung cư cũ sẽ trở nên hiện đại, vẫn bảo đảm cân đối nguồn tài chính. Quỹ đất dành cho TĐC thì Nhà nước, địa phương có thể lo được. Địa phương đứng ra giải quyết việc GPMB phục vụ nhà TĐC sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề là làm thế nào, phân bổ cần hợp lý, khả năng Nhà nước ứng vốn trước cho DN là bao nhiêu? Làm thế nào để có cam kết bù trừ? Quyền khai thác khu đất cũ ra sao?... Thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ mở ra lối thoát. Cần phải "đi tắt, đón đầu", xây cả khu mới có hạ tầng xã hội đồng bộ, tới vài chục héc-ta để di dân. Vì, nếu TĐC ở chỗ tốt, đồng bộ với đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội chắc chắn dân sẽ đến.

* Hai chữ "đồng thuận" luôn được đặt ra như một điều kiện cần và đủ để GPMB khi các DN thực hiện nâng cấp, cải tạo NCCC. Theo ông, chúng ta cần hiểu vấn đề này như thế nào?

Việc di dời hay TĐC tại chỗ các dự án đều phải thực hiện gặp gỡ, thỏa thuận với người dân và lúc đó chúng ta cần hiểu thế nào là đồng thuận, đồng thuận cái gì. Không thể đồng thuận đến từng yêu cầu nhỏ với từng người dân. Vậy mức độ đồng thuận như thế nào là phản ánh đúng nguyện vọng và lợi ích của đa số? Chuyện này cũng cần có những quy định cụ thể, tùy theo mức độ để lập ra từng cấp hội đồng xem xét giải quyết. Như vậy, mới có thể nhanh chóng tháo gỡ những thắc mắc của người dân trong từng dự án.

* Chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì ở nước ngoài cho công tác này?

Tham khảo chính sách ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... đã có những bài học nhất định. Về cơ bản, hiện nay việc di dân ra khỏi vị trí cũ là hướng chủ đạo. Vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được người dân di chuyển đến với những khu ở mới. Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, các khu chung cư TĐC được xây dựng rất đẹp, đồng bộ và hình thành những khu đô thị lớn chứ không riêng lẻ 1-2 tòa nhà. Việc khuyến khích người dân ở lại hay đi quan trọng là ở chính sách. Đương nhiên, sự lựa chọn là ở người dân. Những khu chung cư nằm trong vị trí "đắc địa" nếu chuyển mục đích sử dụng khác sẽ vừa tạo cảnh quan đẹp cho đô thị vừa tạo được nguồn vốn để phát triển các khu dân cư mới. Trung Quốc có một Ủy ban Giải quyết vấn đề GPMB, lúc đầu thỏa thuận trong khung chính sách, sau đến một nấc không thỏa thuận được nữa sẽ đưa ra Ủy ban để xét. Vậy, chính sách càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Phải tôn trọng ý kiến người dân, nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng và đúng mức của số đông chứ không phải vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng tới cả một chính sách lớn của đất nước.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới