Sáng 4.4, Tạp chí Thị trường giá cả Bất động sản và Tài sản (Bộ Tài chính) đã tổ chức tọa đàm về tình hình thị trường địa ốc TP.HCM.
Đền bù, không nên bỏ chủ trương thỏa thuận với dân!
Đề cập đến chuyện doanh nghiệp (DN) thỏa thuận giá đền bù với người dân, ông Lê Ngọc Tú - Giám đốc Công ty phát triển nhà Bình Dân - cho rằng: "Việc thương lượng thỏa thuận với người dân khi đền bù giải tỏa là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên khi đã đền bù được 80 - 90% rồi thì Nhà nước nên hỗ trợ cho chủ đầu tư để giải tỏa phần còn lại nếu một số hộ dân không chịu thỏa thuận hoặc đòi giá quá cao".
Mặt khác, ông Tú cũng đề nghị không nên bỏ chủ trương thỏa thuận với dân theo như đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng. "Suốt nhiều năm, việc áp đặt giá đền bù đã khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn khi tạo dựng chỗ ở mới. Từ tháng 7.2004, Nghị định 181 buộc các chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân đã giải quyết được căn bản vấn đề này. Nay đề xuất trở lại chuyện Nhà nước giải tỏa đền bù thì thật là vô lý" - ông Tú nói.
Nhiều ý kiến khác của các DN cũng đồng tình với việc có một số dự án Nhà nước cũng phải đền bù giải tỏa để tạo quỹ "đất sạch" đưa ra đấu giá nhưng dù bằng phương thức nào thì cũng trên cơ sở thỏa thuận với dân.
Phải "dành phần" cho khách hàng có nhu cầu nhà ở thật sự
Vấn đề giá nhà đất sụt giảm trong thời gian qua được các DN thảo luận khá sôi nổi. Ông Nguyễn Ngọc Dương cho rằng: "Trong tình hình khó khăn chung, DN phải tự cứu mình chứ không còn cách nào khác. Lâu nay, hầu hết nhà đất bán ra đều vào tay của các nhà đầu tư thứ cấp, còn người có nhu cầu mua để ở rất khó tiếp cận mua nhà đất với giá gốc. Vì vậy, mỗi sản phẩm địa ốc được sang tay đến 5-7 lượt nên giá tăng lên là phải".
Ông Dương cho rằng DN khi bán nhà đất tại các dự án phải tìm cách cho khách hàng có nhu cầu thực sự tiếp cận sản phẩm của mình. Thị trường hiện nay chỉ ngưng trệ giao dịch đối với đất nền dự án, còn nhà phố, văn phòng cho thuê vẫn đắt hàng do khan hiếm.
Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HOREA), việc giá cả BĐS tăng giảm đột biến trong thời gian qua là bởi 3 nguyên nhân: Mất cân đối cung cầu trên thị trường BĐS; Do đầu cơ, tích trữ, làm giá; Hệ thống tín dụng, ngân hàng trong một thời gian dài đã dễ dãi trong việc cung cấp tín dụng với lãi suất thấp cho giới đầu cơ BĐS chuyên nghiệp và những nhà đầu tư "lướt sóng" mà không sàng lọc.
HOREA cũng kiến nghị cần tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội theo hướng: đối với các dự án có quy mô từ 50 ha trở lên phải dành tối đa 20% quỹ đất dự án để phát triển nhà ở xã hội, không áp dụng việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội đối với dự án có quy mô từ 10 ha trở lên vì không hợp lý và không khả thi. Ngoài ra, HOREA cũng kiến nghị không nên thành lập Tổng công ty phát triển nhà ở xã hội mà thành lập cơ quan chuyên trách như Tổng cục Phát triển nhà ở thuộc Bộ Xây dựng để điều hành chương trình này một cách minh bạch, không vụ lợi.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: