Top

Saigon Water Park bị "hóa kiếp"

Cập nhật 22/02/2008 08:00

Công viên nước Sài Gòn (hay còn gọi là Saigon Water Park) - tọa lạc trên đường Kha Vạn Cân (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức), là một công trình giải trí có tiếng tại TP.HCM - đã bỗng dưng biến mất, để lại một mặt bằng thênh thang. Dư luận thắc mắc điều gì đang xảy ra đằng sau "sự biến mất" của công trình đồ sộ này.

Cuối năm 2006, trả lời thắc mắc về việc đột ngột đóng cửa Saigon Water Park (SWT), ban giám đốc Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước cho biết "tạm ngưng hoạt động để thay thế thiết bị xuống cấp". Thế nhưng từ đó đến nay, tức hơn một năm rưỡi trôi qua, không thấy biểu hiện nào về sự trở lại của SWT.

Vista thay thế SWT

Từ 30-3-2006, Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước với tư cách là chủ đầu tư đã ký một hợp đồng để Công ty tư vấn xây dựng Meinhardt VN chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục với Nhà nước về thay đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt qui hoạch chi tiết 1/500, phòng cháy chữa cháy, môi trường...

Cũng từ đó, giới kinh doanh địa ốc được biết sắp tới đây sẽ xuất hiện một khu liên hoàn gồm hàng chục căn biệt thự để bán buôn. Bỏ SWT, tên gọi mới của khu đất này là khu biệt thự Vista.

Một người dân bình thường cũng có thể thấy giá trị tuyệt vời của khu đất gần 50.000m2 này. Khu đất chỉ cách trung tâm TP.HCM 20 phút chạy xe, nằm ngay mặt tiền đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (sắp mở rộng 60m) và có hai mặt tiền hướng ra sông. Một đại gia nhà đất nói giá đất tại dự án này cao đến mức… chưa tính nổi vì đang trong cơn "sốt".



Cổng ra vào công viên nước Sài Gòn
nay đã trở thành cổng ra vào của
khu đất vừa được san lấp.

Chính vì vậy, khi đi ngang cầu Gò Dưa trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), người đi đường không còn thấy hình bóng của SWT đồ sộ với những hồ bơi, máng trượt và lũ lượt người vui chơi, bơi lội. Thay vào đó là một mặt bằng trống trải và một không gian thẳng tắp từ phía trước ra tận mặt sông Sài Gòn.

Giới kinh doanh bất động sản cho biết đây được coi là mặt bằng "sạch", sẵn sàng tiếp nhận đầu tư bất cứ công trình nào. Nhìn trên mặt bằng có thể thấy dấu hiệu phân lô nền đất bởi hệ thống cọc bêtông nhỏ, đầu sơn đỏ đóng thẳng hàng.

Bên cạnh đó còn tập kết tại đây rất nhiều cọc bêtông loại dùng để đóng móng. Trao đổi qua điện thoại, một người có trách nhiệm của Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước nói đang xúc tiến đầu tư một khu nhà ở gồm 52 căn biệt thự, một câu lạc bộ thể thao để bán và cho thuê với tổng diện tích đất xây dựng 10.000m2. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ có khoảng 500 người vào cư ngụ tại khu làng biệt thự Vista này.

Dư luận đặt vấn đề nếu được chuyển mục đích như vậy thì mục tiêu, ý nghĩa, mục đích của việc giao đất ban đầu cùng những chính sách khác dành cho SWT để phục vụ thể thao, giải trí phải được cơ quan chức năng tính toán và lý giải như thế nào? Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước có được phép xây dựng, kinh doanh nhà đất tại khu đất này hay không, vì giấy phép đầu tư (do Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp) chỉ cho xây dựng công viên văn hóa - thể thao.

Lấn sông lấy đất

Theo phản ánh của người dân địa phương, trong quá trình xây bờ kè, Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước đã bao chiếm thêm đất bằng việc lấn ra rạch Gò Dưa. Hiện nay bờ taluy, tức bờ triền (bờ thềm) con rạch - nơi cây cỏ mọc và nước sông lên xuống hằng ngày, đã không còn. Thay vào đó là một bức tường bằng bêtông cốt thép dựng thẳng đứng cắm ngay mép nước lúc cạn nhất, bên trong người ta đã đổ đất cát san lấp bằng phẳng. Chưa kể có một đoạn dài khu đất lấn ra rạch trông thấy rõ mồn một.



Công viên nước SG đã biến mất, để lại
một mặt bằng được phun cát san lấp, ép
cọc bêtông,xây bờ kè bao quanh ven
sông SG và lồi ra mặt rạch Gò Dưa.

Tuy nhiên, theo UBND phường Linh Đông - đơn vị quản lý địa bàn, muốn biết có lấn chiếm hay không thì các cơ quan chức năng cấp TP phải đo đạc, đối chiếu với diện tích giao đất ban đầu, chứ quan sát bằng mắt thường thì không chính xác và không khách quan.

Trước những phản ảnh của người dân, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP đã lên tiếng và thường trực HĐND TP đã yêu cầu UBND TP cho kiểm tra.

Một thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP nói tất cả bờ kè trên địa bàn TP đều tuân thủ theo thực tế tự nhiên là xây lài, đảm bảo diện tích mặt sông, rạch để nước lên xuống. Còn ở đây người ta cho xây bờ kè thẳng đứng, chiếm mất phần triền, tạo một đoạn lồi đáng kể trên con rạch. Và theo qui luật tự nhiên, khi con người làm thay đổi dòng chảy bằng cách "bồi" bên này thì bên kia sẽ lở.

Theo chỉ đạo của UBND TP, một đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc xây bờ kè tại khu đất vốn trước đây là SWT. Sau khi có kết quả kiểm tra ban đầu, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra TP tiến hành thanh tra hoạt đông của Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước, trong đó có việc xây kè với biểu hiện lấn chiếm sông rạch.

UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng chưa xem xét đề nghị của Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước về việc xin bổ sung mục tiêu hoạt động, thay đổi mục đích sử dụng đất tại khu đất làm công viên nước trước đây. Như vậy đến thời điểm này, UBND TP.HCM chưa hề cho phép việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước nhưng đơn vị này đã tự làm xong qui hoạch cho riêng mình.

Chỉ được xây dựng khu văn hóa, thể thao

Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) - cấp phép lần đầu vào ngày 3-7-1994, giữa một bên là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và Công ty Pegasus Leisure Ltd. Vào năm 2006, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã rút khỏi liên doanh, thay vào đó là Công ty TNHH tư vấn đầu tư kinh doanh nhà Thiên Tuyến.

Việc thay đổi thành viên trong liên doanh đã được Bộ KH-ĐT chuẩn y bằng quyết định số 902 ngày 7-3-2006. Tại quyết định này, Bộ KH-ĐT cho phép xây dựng một công viên văn hóa thể thao dưới nước với các hoạt động: bơi thuyền, lướt ván, bóng nước, nhảy cầu; tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trời; các loại hình sân khấu, rối nước…, không có điều khoản nào cho phép công ty liên doanh xây dựng, kinh doanh nhà đất tại khu đất.