Không chỉ là dự án bất động sản lớn nhất từ trước đến nay của Thủ đô (1,05 tỉ USD) và gây xôn xao về chiều cao 70 tầng (cao nhất Việt Nam hiện nay), tổ hợp Keangnam Hanoi Landmark Tower còn vừa được bước đầu cho phép đặt sân đỗ máy bay trên nóc.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng - việc xây và khai thác sân đỗ trực thăng này cần có ý kiến hướng dẫn của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam trước khi triển khai.
Động thổ, khởi công từ 25/8/2007, "đại dự án" này hiện là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt của cả Thành phố Hà Nội và Chính phủ. Trong khi rất nhiều dự án trọng điểm khác đang chậm tiến độ nghiêm trọng, có nguy cơ không kịp hoàn thành trước dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower được kỳ vọng sẽ là "điểm nhấn tự hào" của Thủ đô trong Đại lễ này.
Vì vậy, ngay sau khi trao quyết định đầu tư cho Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) từ tháng 3/2007, các sở, ban, ngành Hà Nội đã dồn "toàn lực" để thông thoáng thủ tục hành chính, giúp cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án này chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Keangnam Hanoi Landmark Tower trong tương lai.
Chưa hết, sau lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình từng nhiều lần gửi công văn tới Bộ Xây dựng và các sở, ban, ngành đề nghị hợp tác chặt chẽ, khẩn trương và khẳng định "việc thực hiện đúng tiến độ dự án là hết sức quan trọng và cần thiết". UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, cho phép dự án Tổ hợp Công viên thiên niên kỷ Keangnam này được "đặc cách" thẩm định, phê duyệt thiết kế và thi công từng phần hạng mục - nếu không, sẽ khó có khả năng hoàn tất trước Đại lễ nghìn năm.
Đáp lại tinh thần này, cũng với thời gian khá "hỏa tốc", Bộ Xây dựng đã triển khai thẩm định thiết kế cơ sở và vừa thông báo kết quả bước đầu này. Theo đó, chủ đầu tư phải đạt được sự thống nhất của các cơ quan chức năng về những vị trí kết nối; lưu ý bố trí các tiện nghi cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; bổ sung bãi đỗ xe phù hợp qui mô công trình...
Vị trí Keangnam Hanoi Landmark Tower sẽ mọc
lên thời gian tới, trước mặt là đường Phạm Hùng,
khu vực phía phải ảnh là đô thị mới Cầu Giấy.
Tập đoàn Keangnam cũng được kỳ vọng sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh "luôn coi trọng thiên nhiên xanh" trong ý tưởng đầu tư xây dựng của họ, thực hiện tốt sứ mệnh thời đại "bảo vệ môi trường". Các dự án phát triển nhà ở cần tôn trọng sự thoải mái, cuộc sống riêng tư của mỗi người gắn với không gian trong lành, gọi tắt là "nơi gặp gỡ giữa thiên nhiên xanh và kiến trúc hiện đại".
Mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án được khái toán khoảng 8.000 tỉ đồng. Nằm trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia không xa, Keangnam Hanoi Landmark Tower sẽ bao gồm 2 tòa chung cư nối với nhau bằng khối đế 5 tầng. Một quầy bar ngắm toàn cảnh thành phố dự kiến được bố trí ở tầng 60 và sân bay trực thăng (kể trên) tại tầng mái.
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: