Top

Không có chuyện “đất tôi, tôi trồng”

Cập nhật 25/10/2007 10:13

Hỏi:

Bố tôi có phần đất liền kề với đất nhà ông Nguyễn Đức Điểm, đều là đất trồng lúa. Sau hơn 10 năm trồng lúa nước, thấy năng suất không cao, gia đình ông Điểm đã tự ý chuyển sang trồng bạch đàn. Cây bạch đàn ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển lúa, nên gia đình tôi đã yêu cầu ông Điểm không được trồng bạch đàn. Tuy nhiên, ông Điểm không đồng ý với lý do “Đất nhà tôi, tôi trồng !”. Xin được hỏi, việc làm của ông Điểm có đúng pháp luật không? Nếu sai, tôi phải nhờ cơ quan chức năng nào can thiệp.

Nguyễn Công Thành (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân)


Đáp:

Luật Đất đai quy định: Việc sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất, không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh; người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật…

Trường hợp gia đình ông Điểm trồng lúa cho năng suất thấp, muốn chuyển mục đích sử dụng thì phải đến đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc UBND xã nơi có đất đang sử dụng, để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết trên cơ sở những quy định của Luật Đất đai. Khi chưa có ý kiến cho chuyển mục đích hoặc không cho chuyển mục đích sử dụng mà gia đình ông Điểm vẫn cố tình chuyển là sai quy định của pháp luật...

Trường hợp gia đình ông Điểm cố ý trồng bạch đàn thì bố ông có thể kiện đến UBND huyện. Khi xác minh thực tế bạch đàn ở ruộng nhà ông Điểm ảnh hưởng đến năng suất lúa của các gia đình xung quanh và ông Điểm sử dụng đất sai mục đích, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở, thậm chí xử lý vi phạm hành chính. Khi ông Điểm vẫn không chặt bỏ bạch đàn, UBND huyện phải ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Điểm với lý do sử dụng đất không đúng mục đích.

Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@cenodi.vn

Xin chân thành cảm ơn!


Theo website tư vấn luật