Top

Ximăng Việt Nam sẽ khủng hoảng thừa?

Cập nhật 12/11/2007 10:00

Thừa, thua lỗ

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và rộng khắp khu vực, công nghiệp ximăng (XM) các nước ASEAN có bước phát triển khá mạnh mẽ, thời kỳ 1985 - 1997 tăng tới 272%.

Cao trào đầu tư phát triển công nghiệp XM của các nước ASEAN diễn ra quá mạnh mẽ so với tốc độ phát triển của nền kinh tế đã báo hiệu tình trạng cung vượt cầu từ giữa năm 1996 và rồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 lại rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu dùng XM đã giảm tới 30,5%.

Các nhà máy đầu tư trên cơ sở vay vốn tín dụng nước ngoài nên sau khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 nhu cầu XM sụt giảm, trong khi công suất, năng lực quá dư thừa đã làm cho thị trường và vị thế của XM các nước ASEAN vô cùng khó khăn: XM ế thừa, dẫn đến cạnh tranh theo xu hướng giảm giá, phá giá, sản xuất kinh doanh đình đốn, không còn khả năng hoàn trả vốn đầu tư, phải mời chào các tập đoàn mua cổ phần với giá rẻ.

Cho đến nay, hầu hết các nước ASEAN đều do các tập đoàn XM quốc tế nắm giữ tỉ lệ cổ phần quan trọng. Tỉ lệ cổ phần mà các tập đoàn, các Cty nước ngoài nắm giữ ở Indonesia là 98,4%, Philippines là 30%; Malaysia là 48% tổng công suất, Thái Lan là 56% công suất và VN là 30% công suất.

VN có tránh được "vết xe đổ"

Sau 10 năm khủng hoảng tài chính, công nghiệp XM các nước ASEAN đang từng bước phục hồi nhưng vẫn chưa khai thác hết toàn bộ công suất XM hiện có. Năm 2010, các nước thuộc AFCM đã gần như dừng lại việc đầu tư thì VN lại bùng nổ đầu tư.

Hiện cả nước đang triển xây dựng 31 dự án XM lò quay với tổng công suất 39 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2010, sẽ có 45 nhà máy XM lò quay đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế khoảng 60 triệu tấn. Chưa kể đến 6 triệu tấn XM của các trạm nghiền độc lập và 3 triệu tấn XM lò đứng.

Con số này khiến Chủ tịch AFCM - ông Abdul Razak Ramh - hoài nghi về khả năng tiêu thụ XM của VN vì dự báo nhu cầu thị trường khoảng 50 triệu tấn vào năm 2010. Và khi đó, VN sẽ xử lý khoảng 18 triệu tấn XM dư thừa ra sao? Giải pháp XK cũng khó khăn khi mà XM Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường các nước trong AFCM chỉ còn là vấn đề thời gian.

TS Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội XM VN - lại cho rằng: Công suất thiết kế ở các nhà máy duy trì đạt khoảng 90%, tình hình chính trị ổn định, kinh tế đi lên là một trong những tác nhân có thể cân đối được nhu cầu XM trong nước. Thêm vào đó với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và chương trình bêtông hoá đường làng xã, kênh mương... thì mức dư theo dự báo đến năm 2010 là không quá cao. Hy vọng VN với lợi thế đi sau sẽ định hướng phát triển ngành XM hiệu quả hơn các quốc gia khác.

Bên cạnh nguy cơ thừa XM, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã cảnh báo nguy cơ về môi trường: "Công nghiệp XM sử dụng một khối lượng lớn nguyên liệu thiên nhiên như đá vôi, đất sét..., một khối lượng lớn năng lượng như than, dầu, khí là những nguồn tài nguyên không tái tạo được, đồng thời lại thải ra một lượng lớn bụi và khí độc NOx và CO2 gây ô nhiễm môi trường và gây hiệu ứng nhà kính.

Vì vậy trong tương lai, công nghiệp XM cần phải vượt qua một thách thức to lớn là sản lượng đòi hỏi ngày một tăng thì việc tiêu hao tài nguyên càng nhiều và tác động ô nhiễm môi trường có thể ngày càng lớn". Đây cũng là thách thức với AFCM hiện nay.

Hiện thế giới đang hướng tới sự phát triển ngành công nghiệp XM bền vững trên 3 trục kinh tế - xã hội và môi trường. Việc bảo vệ môi trường đặc biệt cấp bách đối với những ngành có mức độ ô nhiễm cao, trong đó có XM. Liệu VN có tránh được vết xe đổ của công nghiệp XM Đông Nam Á?

Theo VietNamNet