Top

Giá cổ phiếu bất động sản đã qua cao trào?

Cập nhật 05/11/2007 14:00

Sau thời gian tháng 9 - 10 nóng cao độ, những cổ phiếu bất động sản đang trong đợt điều chỉnh vào đầu tháng 11 này. Theo đó, giá các cổ phiếu sụt giảm vài phần trăm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự hăm hở trước sức nóng bất động sản vẫn chưa giảm.

Theo nhận định của một số chuyên gia, giá cổ phiếu bất động sản bị điều chỉnh giảm có nguyên nhân do một phần vốn đầu tư gián tiếp vào bất động sản thông qua thị trường cổ phiếu, được rút ra để đầu tư trực tiếp vào thị trường căn hộ trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư vẫn đang có động thái tiếp tục đổ vốn vào các công ty bất động sản. Vì vậy, cổ phiếu các công ty này sẽ được ưu ái trong thời gian tới.

Qua cao trào?

Cao trào nóng sốt diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Cổ phiếu bất động sản HDC - công ty phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu mới lên sàn đã đạt mức giá 84.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 10. HDC đã tăng kịch trần liên tiếp nhiều phiên, khối lượng bán luôn được tìm mua sạch và vọt lên mức 141.000 đồng (ngày 27 - 10), tăng 60% kể từ lúc nhập sàn (ngày 8 - 10).

VIC – công ty cổ phần Vincom lên sàn từ giữa tháng 9. Từ mức giá phiên đầu 125.000 đồng, đã nhảy lên 181.000 đồng (20 - 10), tăng gần 70%. VIC được xem là một trong những cổ phiếu được ưu ái trong làng bất động sản, nhất là khi VIC vừa phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho các dự án bất động sản đang triển khai.

Tăng đều đều từ mấy tháng nay là TDH – công ty cổ phần nhà Thủ Đức. Từ mức giá 169.000 đồng hồi đầu tháng 9 đã lên 200.000 đồng vào phiên ngày 20.10 (tăng gần 85%).

Cơn sốt giá còn diễn ra trên thị trường OTC, bởi nhiều nhà đầu tư săn lùng những cổ phiếu bất động sản đang đấu giá hoặc chuẩn bị lên sàn. Cuộc đấu giá công ty cổ phần đầu tư 577 vừa diễn ra cuối tháng 10, với mảng kinh doanh bất động sản là mũi nhọn, giá đấu thành công cao nhất là 110.000 đồng, gấp 3 lần giá khởi điểm 38.000 đồng.

Hầu hết cổ phần về tay nhà đầu tư và tổ chức trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài giành giật chưa được 1% tổng khối lượng đưa ra bán. Đại diện một tổ chức nói, dù đã dự đoán được mức độ nóng sốt của cuộc đấu giá, và cố gắng bỏ mức giá cao hơn theo phân tích, nhưng rốt cuộc, ông cũng phải ra về tay không.

Trên làng OTC, Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng giá ngoạn mục đạt mức giá 145.000 đồng, tăng 55% so với hai tháng trước đây. Sau khi công bố chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán trung tuần tháng 10, cổ phiếu công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị Idico tăng lên hai lần. Các cổ phiếu bất động sản khác như Quốc Cường Gia Lai, đầu tư và khai thác công trình giao thông 584, đầu tư và xây dựng số 8... cũng tăng đều, mặc dù thị trường OTC đang lắng lại.

Quỹ góp mặt đẩy giá



10 cổ phiếu có giá biến động
tăng/giảm nhiều nhất trong tuần

Ngoài lý do bất động sản đang là lĩnh vực nóng sốt trên thị trường, nhiều phi vụ đổ tiền vào các công ty bất động sản gần đây của các quỹ đầu tư cũng khiến nhà đầu tư cá nhân “đua” theo, từ đó đẩy giá những cổ phiếu này.
 
Công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư Vietcombank vừa đầu tư mua 4 triệu cổ phiếu, chiếm 4% vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 400 tỉ thị giá cổ phiếu. Như vậy, Vietcombank cùng với 9 tổ chức đầu tư chiến lược khác đang nắm giữ khoảng 27% vốn điều lệ Hoàng Anh Gia Lai, trong đó có những tên tuổi như Jaccar (Pháp), Dragon Capital (Anh), Asia-Vantage Global (Nhật)...

Công ty cổ phần đầu tư Thuỳ Dương (TD Group), chủ đầu tư toà tháp đôi 19 tầng tại Hải Phòng vừa ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực bất động sản với The Lion Group (Malaysia). Ngoài ra, cổ đông chiến lược của Thuỳ Dương còn có mặt tập đoàn bảo hiểm nhân thọ quốc tế Prudential; quỹ đầu tư Vina - VP Capital và tập đoàn phân phối và bán lẻ Phú Thái... TD Group dự kiến niêm yết vào năm 2008.

Trước đó, Indochina Capital cũng vừa mở hầu bao bỏ vào công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân 20 triệu USD, tương đương 20% vốn, và bỏ 12 triệu USD mua cổ phần của công ty tư vấn, thương mại và dịch vụ Hoàng Quân.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị