Top

Ximăng: Vì sao giá tăng?

Cập nhật 04/05/2008 09:00

Những ngày gần đây, thị trường ximăng tại TP.HCM đang trong tình trạng "sáng một giá, chiều một giá”. Không có hàng để mua, hoặc chỉ được mua lượng hàng nhỏ giọt với giá cao chót vót. Vì sao?

Chiều 2-5, một số điểm bán lẻ ximăng tại TP.HCM đột ngột tăng giá lên 80.000 đồng/bao đối với ximăng Hà Tiên 1, 72.000-73.000 đồng/bao đối với ximăng Holcim. So với một ngày trước đó, giá ximăng bán lẻ đã vọt lên thêm 8.000-10.000 đồng/bao đối với hai loại ximăng nói trên.

Từ nhà máy đến người tiêu dùng: giá chênh lệch 30%!

Đến giữa trưa 3-5, giá ximăng giảm còn 73.000-75.000 đồng/bao (đối với Hà Tiên 1) và 69.000-70.000 đồng/bao (đối với Holcim). Thị trường tại TP.HCM hiện chỉ "nóng" với hai loại ximăng này, còn các thương hiệu khác như Cotec, Cẩm Phả, Nghi Sơn, Hoàng Thạch, Chinfon, Lafarge, Fico, Hà Tiên 2..., phần vì thương hiệu ít được chuộng bằng, phần vì thị phần khá khiêm tốn nên sức nóng dường như đang "đổ” về Hà Tiên 1 và Holcim.

Trong khi đó, theo ông Mai Anh Tài - phó giám đốc Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1, đến trưa 3-5 giá giao ximăng tại nhà máy này là 53.500 đồng/bao. Đây là mức giá được áp dụng từ đầu tháng 2-2008 đến nay. Tương tự, một cán bộ có thẩm quyền của Holcim cũng xác nhận giá giao tại nhà máy của ximăng Holcim là 53.500 đồng/bao, mức giá cũng được áp dụng từ đầu tháng 2-2008 đến nay. Như vậy, nếu so với giá giao tại nhà máy, giá bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng hiện nay chênh lệch 19.500-21.500 đồng/bao, hơn 30%. Mức chênh lệch này đều rơi vào túi các đại lý cũng như nhà phân phối. Bởi khi ximăng đến được tay người tiêu dùng, ít nhất phải trải qua 4-5 nhà phân phối, đại lý "con". Và cứ mỗi cấp như vậy giá mỗi bao ximăng được "đội" lên ít nhất 3.000-4.000 đồng/bao.

Có thật khan hàng?

Ông T., một đại lý phân phối ximăng thuộc loại lớn ở TP.HCM, cho rằng việc khan hiếm ximăng là hoàn toàn có thật. "Hiện nay, khan ximăng là do nguồn cung bị thu hẹp, khả năng cung ứng ximăng của các nhà sản xuất không kịp so với nhu cầu đang nóng khi thị trường đồng loạt bước vào mùa cao điểm xây dựng nhằm "chạy" mùa mưa" - ông này nói. Phó tổng giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp liên doanh cũng xác nhận nguồn cung ximăng cho thị trường TP.HCM dường như chỉ đang có hai doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là Hà Tiên 1 và Holcim "chiếm lĩnh" là chính.

Những doanh nghiệp ximăng khác như Cotec, Cẩm Phả, Chinfon, Fico... phần vì không chủ động được nguồn clinker, phần lớn phải nhập khẩu mới có nguyên liệu để sản xuất, nhưng do giá clinker quá cao (41,5-42 USD/tấn) nên nếu nhập thì sau khi tính tất cả chi phí sản xuất, giá thành của một tấn ximăng làm từ nguồn clinker nhập khẩu đã lên đến 1,4-1,5 triệu đồng/tấn (tương ứng 70.000-75.000 đồng/bao); không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp chủ động được nguồn clinker hoặc những doanh nghiệp có được hợp đồng nhập khẩu clinker ổn định. Chính vì vậy, những doanh nghiệp này phần lớn đang trong trạng thái sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất rất ít, nên nguồn cung tham gia thị trường không đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn cung ximăng cho thị trường TP.HCM trở nên eo hẹp.

Chỉ tính riêng lượng ximăng cung ứng trên thị trường TP.HCM của hai "đại gia" Hà Tiên 1 (chiếm 41% thị phần) và Holcim (33% thị phần), ước có đến 550.000 tấn ximăng đã được tiêu thụ trong bốn tháng đầu năm 2008, tăng đến 22-23% so với cùng kỳ mà vẫn không kịp hàng để bán.

"Sốt" chỉ cục bộ, ngắn hạn?

Do nguồn cung bị "rút" lại nên lượng ximăng đặt mua đổ dồn về hai doanh nghiệp nói trên. Ông T. cho biết vì nhà cung cấp nào cũng "nhào" về phía hai doanh nghiệp này lấy hàng nên không còn chuyện xe ra vô lấy hàng dễ dàng như trước. Cộng chung phí bốc xếp, phí chuyên chở, giá ximăng mới nhận tại đầu nguồn của nhà phân phối cấp 1 đã tăng lên ít nhất 4.000 đồng/bao trước khi rót xuống cho đại lý nhỏ hơn.

Do đang là thời kỳ "cao điểm" nên việc rút ngắn thời gian thanh toán của nhà sản xuất đối với các đại lý cấp 1 xuống còn 1-2 ngày, thay vì có thể kéo dài nửa tháng hay một tháng như trước, khiến áp lực "chạy tiền" từ nhà phân phối, mà chủ yếu vay từ ngân hàng, càng căng thẳng, đẩy giá chênh lệch lên cao. Cộng thêm các nhà sản xuất phần lớn đều cắt hết các khoản hỗ trợ, thực chất là mức chi hoa hồng (trước đây trung bình 20.000-30.000 đồng/tấn tùy thương hiệu) đối với đại lý, nên tất tần tật những chi phí phát sinh này đều bị đổ lên "đầu" người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN, việc thị trường ximăng TP.HCM đang lên "cơn sốt" có khả năng "mang tính chất cục bộ, ngắn hạn", nguyên nhân chính vì lượng cầu quá cao so với dự báo. "Chúng tôi đã nghe báo cáo tình hình và chậm nhất vào tuần sau, Bộ Xây dựng và hiệp hội sẽ có đoàn vào kiểm tra để tìm hướng giải quyết" - ông Thiện nói.

Chuyển ximăng từ Bắc vào Nam: không khả thi

Trước nhu cầu sử dụng ximăng tăng cao, Bộ Xây dựng từng có công văn yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN và Hiệp hội Ximăng VN điều tiết lượng ximăng của các thành viên từ Bắc vào Nam để "hạ nhiệt". Tuy nhiên, theo ông Mai Anh Tài - phó giám đốc Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1, phương án chuyển ximăng (hoặc clinker) vào Nam không thật khả thi.

Theo tính toán của ông Tài, nếu mua clinker của các doanh nghiệp phía Bắc với giá 650.000-700.000 đồng/tấn, cộng thêm phí chuyên chở khoảng 400.000 đồng/tấn, chi phí sản xuất khoảng 200.000 đồng/tấn, giá thành của 1 tấn ximăng với nguồn clinker trong nước xấp xỉ 1,3 triệu đồng/tấn (65.000 đồng/bao), cao hơn giá xuất xưởng hiện tại của Hà Tiên 1 là 11.500 đồng/bao!

Phương án nhập ximăng thành phẩm từ Thái Lan cũng đã được nhiều doanh nghiệp tính đến, nhưng cuối cùng phải "xếp xó” cũng vì không giải được bài toán giá thành, cộng với tình trạng khan hiếm đội tàu chuyên chở. Theo tính toán của các doanh nghiệp, với mức thuế nhập khẩu đang áp dụng 20% đối với nguồn ximăng trong khu vực ASEAN, giá một tấn ximăng nguyên liệu khi về đến cảng VN khoảng 89 USD. Nếu cộng thêm phí bốc xếp, vận chuyển, chi phí sản xuất (phụ gia, bao bì, đóng gói...), giá một tấn ximăng thành phẩm sẽ lên đến 1,65 triệu đồng (82.500 đồng/bao). Một mức giá không có tính cạnh tranh trên thị trường!


Theo Tuổi Trẻ