Những ngày qua thị trường xi măng xuất hiện tình trạng thiếu nguồn cung và tăng giá đột ngột ở khu vực phía Nam, đã khiến chủ đầu tư và nhà thầu nhiều công trình xây dựng đều lao đao.
“Đứt hàng”, giá đột nhiên…“nhảy dựng”
Chiều 22/4, trao đổi với Báo giới, anh H.A.Phượng, chủ một căn nhà 4 tầng đang xây dựng tại phường Tân Phú, quận 7, TPHCM cho biết trong những ngày qua xi măng đột nhiên trở nên khan hiếm.
Mặc dù anh Phượng đã đặt trước, nhưng nhiều đại lý vẫn không có hàng để cung cấp.
“Xi măng khan hiếm đúng vào lúc tôi đang đổ “mê”, để thợ không ngồi chơi, tôi phải bấm bụng đi gom xi măng tại các cửa hàng bán lẻ với giá rất cao: 65.000 đồng/bao ChinFon, trong khi loại này trước đó ít ngày chỉ có giá 57.000 đồng/bao”- anh Phượng than thở.
Cũng theo anh Phượng, không phải có tiền là mua được xi măng, hầu hết các đại lý cấp 1 đều tắt máy, “trốn” khách hàng mua xi măng.
Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ không những nâng giá rất cao, lại còn ra điều kiện muốn mua xi măng thì phải mua kèm các loại vật liệu khác như gạch ngói, cát, sắt thép… với giá không hề dễ chịu.
Những ngày qua, hầu hết các loại xi măng tại thị trường TPHCM đều đồng loạt tăng giá với mức tăng bình quân 5.000 - 11.000 đồng/bao so với tháng trước.
Cụ thể, xi măng Hà Tiên 1 lên mức 64.000 - 70.000 đồng/bao, xi măng Holcim từ 57.000 đồng/bao tăng lên 63.000 - 68.000 đồng/bao. Fico là loại xi măng có giá rẻ nhất trên thị trường cũng tăng từ mức 52.000 lên 60.000 đồng/bao 50kg.
Theo Hiệp hội Xi măng, trước đây các hãng xi măng phía Bắc như Nghi Sơn, ChinFon Hải Phòng, Hoàng Thạch… mỗi tháng cung ứng cho thị trường phía Nam 6.000 - 7.000 tấn, nhưng nay đã cắt giảm sản lượng để tập trung đáp ứng cho thị trường phía Bắc và miền Trung.
Ngoài việc khan hiếm thật, còn có sự khan hiếm ảo bởi có tình trạng các nhà phân phối xi măng ém hàng để làm giá.
Nhà thầu: Mất oan tiền tỷ
Ông Nguyễn Xuân Bảng - Tổng Giám đốc Cty cổ phần xây dựng (Descon) cho rằng việc khan hiếm xi măng thực chất chỉ là giả tạo, do hệ thống phân phối gây ra. Vì, trong khi các nhà sản xuất xi măng của cả nước vẫn thực hiện đúng cam kết chưa tăng giá bán đến hết quý 2/2008, thì trên thị trường giá xi măng vẫn tăng vô tội vạ.
Việc ém hàng để làm giá của các đại lý thường xuyên xảy ra, và không chỉ đối với xi măng mà còn với tất cả các loại vật liệu xây dựng thiết yếu, đặc biệt là sắt, thép.
Mặt khác, theo ông Bảng, hiện tại do ảnh hưởng của lạm phát nên nhiều công trình xây dựng tạm ngưng hoặc giãn tiến độ, vì vậy nhu cầu xi măng không cao đến mức gây ra khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Thương- Phó TGĐ phục trách xây dựng của Descon cho biết thêm, giá vật liệu liên tục tăng nên cứ vài tuần các nhà cung cấp bê tông tươi lại thông báo nâng giá, và lần thông báo nâng giá gần nhất cách đây một tuần do ảnh hưởng của tình trạng tăng giá xi măng do khán hiếm (giả tạo) gây ra.
Theo tính toán của ông Thương, hiện nay Descon đang cùng lúc triển khai xây lắp khoảng 10 công trình lớn, việc tăng giá xi măng như hiện nay, tính sơ bộ mỗi tháng công ty phải mất “oan” cả trăm triệu đồng cho xi măng và bê tông.
Tổng Giám đốc một Tổng Cty xây dựng quy mô lớn tại TPHCM cho rằng nếu cứ giữ đúng tiến độ xây dựng thì chỉ trong một tháng doanh nghiệp này phải mất oan cả tỷ đồng do tình trạng xi măng khan hiếm ảo gây ra. Ông này tiết lộ, để né cơn bão giá xi măng, hiện không ít nhà thầu trọn gói, thậm chí cả chủ đầu tư đã giãn tiến độ xây dựng.
Hiệp hội Xi măng vừa kiến nghị Thủ tướng giảm thuế nhập khẩu clinker và xi măng. Hiện tại thuế nhập khẩu clinker từ các nước trong khối ASEAN là 5% và từ các nước khác là 10%.
Theo Hiệp hội, dự kiến trong năm 2008 phải nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn clinker. Giá clinker nhập khẩu về đến cảng Việt Nam hiện đã tăng từ 1 triệu tới 1,1 triệu đồng/ tấn, cao hơn giá xi măng trong nước. Vì vậy, để bình ổn giá, cần phải giảm thuế nhập khẩu clinker và xi măng.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho giảm thuế nhập khẩu clinker từ các nước ngoài khối ASEAN xuống 10% (chỉ áp dụng cho năm 2008) và từ các nước trong khối ASEAN xuống 0% đối với những lô hàng nhập từ 20/4/2008.
Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xi măng từ các nước ngoài khối ASEAN từ 40% xuống 0% (áp dụng cho năm 2008) nhằm đề phòng trường hợp nhu cầu xi măng trong nước tăng đột biến và cần phải nhập khẩu thêm xi măng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: