Top

Căng thẳng thị trường xi măng, sắt thép

Cập nhật 29/04/2008 10:00

Từ giữa tháng 4, giá bán lẻ xi măng trên địa bàn TP.HCM tăng; sắt thép thiếu hàng... Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng "nóng" lên.

Tăng giá do vận chuyển

Từ giữa tháng 4, giá bán lẻ xi măng Hà Tiên 1 tại một số cửa hàng trên địa bàn TP.HCM lên 64.000 - 67.000 đồng/bao (tăng 4.000 - 5.000 đồng/bao so với trước đó); giá xi măng Holcim từ 58.000 đồng/bao lên 62.000-65.000 đồng/bao; xi măng Fico từ 54.000 đồng lên 58.000 - 60.000 đồng/bao... Theo giải thích của một số cửa hàng VLXD, nguyên nhân tăng giá là do chi phí vận chuyển, bốc xếp đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, hàng không đủ đáp ứng nhu cầu. Ví dụ Xi măng Hà Tiên 1 có giá bán tại nhà máy là 1.070.000 đồng/tấn (53.500 đồng/bao) và giá của nhà phân phối chính giao ngay tại nhà máy là 1.080.000 đồng/tấn.

Theo ông Huỳnh Văn Tư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Trang trí nội thất TP.HCM, chi phí vận chuyển hiện nay tăng lên 80.000 - 100.000 đồng/tấn (trước là 50.000 đồng/tấn). Tổng cộng chi phí vận chuyển và bốc xếp khoảng 6.000 đồng/bao xi măng. Như vậy, giá xi măng Hà Tiên 1 về đến vựa là 60.000 đồng/bao. Nhà bán lẻ phải cộng thêm chi phí vận chuyển để đưa hàng tận tay người tiêu dùng và với giá bán phổ biến hiện nay là 64.000 đồng/bao thì mức lãi là 3.000 đồng/bao, chưa trừ vào chi phí lãi vay ngân hàng (cũng đang tăng).

Cá biệt có một số cửa hàng bán lẻ "té nước theo mưa" đưa giá bán lên đến 66.000 - 67.000 đồng/bao. Đại diện Xí nghiệp tiêu thụ Công ty xi măng Hà Tiên 1 cho biết tất cả nhà sản xuất chỉ kiểm soát giá bán ra đối với hệ thống phân phối chính của mình. Họ không thể kiểm soát được giá bán lẻ của gần 2.000 cửa hàng VLXD trên địa bàn TP.HCM. Hơn nữa, nhu cầu trên thị trường đang gia tăng nên có lúc nhà máy ra hàng không đủ nhu cầu mặc dù đã chạy hết công suất.

Sắt thép có thiếu?

Tại khu vực kinh doanh sắt thép xây dựng tập trung trên đường Lý Thường Kiệt, TP.HCM, giá bán lẻ thép cuộn trong vài ngày qua khoảng từ 17.000 đồng - 17.500 đồng/kg; thép cây (phi 16) từ 305.000 đồng - 310.000 đồng/cây... Mức giá này chưa tăng lên so với đầu tháng nhưng theo một chủ cửa hàng, hiện nay hàng không còn nhiều.

Trước thông tin này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - khẳng định các doanh nghiệp hiện vẫn còn đủ phôi thép dự trữ để sản xuất  trong một tháng rưỡi nữa. "Từ giờ đến hết tháng 6 chắc chắn giá thép trong nước sẽ không tăng như đã cam kết. Hơn nữa, nhu cầu thép trong tháng 4 đã giảm nhẹ so với 2 tháng trước nên cung vẫn đảm bảo được cầu", ông Phạm Chí Cường nói. Cũng theo ông Cường, với việc thắt chặt nguồn vốn cho vay của các ngân hàng hiện nay, tình trạng găm hàng để chờ giá lên của các đại lý khó xảy ra vì như thế, họ phải trả một khoản lãi vay không phải nhỏ. Hơn nữa, nhu cầu về sắt thép xây dựng tại khu vực phía Nam thời gian tới sẽ giảm dần khi mùa mưa đến.

Giám đốc một công ty sản xuất thép tại TP.HCM cho biết giá phôi thép chào bán tại Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 930 USD/tấn. Trong khi với giá bán ra của doanh nghiệp dưới 16.000 đồng/kg hiện nay thì tính ra giá phôi chỉ ở mức 840 USD/tấn. Như vậy nếu sau vài tháng, giá phôi không giảm thì doanh nghiệp phải tăng giá bán. Nếu không họ phải giảm sản xuất để giảm nguy cơ thua lỗ.

Theo một nguồn tin riêng của Thanh Niên, số lượng phôi thép nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2008 đã tương đương 70% tổng khối lượng phôi nhập khẩu của cả năm 2007. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất phải đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm để thu hồi vốn nên nhiều khả năng, giá bán phải giảm xuống trong thời gian tới. Việc tung tin thiếu hàng hay giá sẽ tăng trong thời gian tới chỉ là một chiêu làm giá của cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ mà thôi.

Hiệp hội xi măng vừa kiến nghị giảm thuế nhập khẩu clinker xuống 0% và giảm thuế nhập khẩu xi măng xuống 10% nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo ổn định giá xi măng đến hết tháng 6 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hiện thuế nhập khẩu clinker từ các nước trong khối ASEAN là 5% và từ các nước ngoài khối ASEAN là 10%.


Theo Thanh Niên