Top

Vật liệu xây dựng "nhấp nhổm" tăng giá

Cập nhật 29/05/2009 10:30

Lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng đã bắt đầu tăng mạnh trở lại sau gần nửa năm trầm lắng. Tuy nhiên, sức cầu nhen nhóm chưa lâu, hàng tồn kho còn chưa xả hết, các nhà cung ứng đã “nhấp nhổm” tăng giá…

Lực kéo từ nhà cá nhân

Anh Hùng, một chủ thầu chuyên “đánh” các công trình dân dụng cho biết, từ tháng trước đến giờ, 3 toán thợ của anh đã bận “không mở mắt” được vì liên tục ký được hợp đồng xây nhà dân dụng.

Các khách hàng như khách mà anh Hùng đang phục vụ chính là nhân tố giúp thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) ấm dần lên. Dù sức “ngốn” VLXD của nhà dân dụng không đáng kể so với các công trình thương mại, công nghiệp hay các dự án hạ tầng, nhưng những nhà tiêu thụ nhỏ lẻ này đang trở thành lực kéo của thị trường sau nhiều tháng ế ẩm. “Giờ vật liệu đang rẻ nên nhiều người muốn tranh thủ xây luôn, sợ chần chừ đến cuối năm giá lại đội lên”, anh Hùng giải thích.

Thực tế, sức tiêu thụ sắt thép, xi măng đã tăng mạnh cách đây một tháng. Lượng thép tiêu thụ tháng 4 lên đến 430.000 tấn, tăng 20,5% so với tháng 3 và trở thành tháng có lượng thép tiêu thụ lớn nhất từ trước đến nay.

Lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 4 cũng tăng khá, tăng 230.000 tấn so với tháng trước, đạt khoảng 4,49 triệu tấn.

Tương tự như vậy, các nhóm hàng khác như gạch, ngói, cát, nội thất nhà tắm… cũng có tốc độ đẩy hàng nhanh hơn. Nhiều công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã giảm được hơn một nửa lượng sản phẩm tồn kho.

Theo khảo sát mới nhất của PV VietNamNet, trong tháng 5, xu hướng tăng lượng tiêu thụ của các mặt hàng VLXD vẫn tiếp tục. Thống kê từ Hiệp hội Thép và Bộ Xây dựng cho biết, tháng 5, tiêu thụ thép đạt khoảng 360.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ, tiêu thụ xi măng đạt 4,11 triệu tấn, tăng 11%.

Chủ cửa hàng 30B Cát Linh cho biết, tuy một số mặt hàng nội thất nhà tắm đã đồng loạt tăng 10% từ 1/3, nhưng “khách vẫn đến mua nhiều vì nhu cầu xây dựng nhà ở đang tăng lên”.

Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng dự báo, sức cầu sẽ còn tăng nữa khi các dự án lớn khởi động trở lại trong mấy tháng tới.

Chưa hết tồn kho, đã lo tăng giá



Dù tồn kho, thép xây dựng vẫn tăng giá 4 lần - Ảnh: Nguyễn Doanh.


Dù sức mua VLXD mới nhích lên ở phân khúc chiếm tỷ trọng nhỏ nhất, trong thời gian ngắn, thậm chí có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “xả” hết hàng tồn kho, nhưng giá cả nhiều mặt hàng đã kịp tăng lên ở các mức khác nhau.

Chủ đại lý VLXD Huyền Anh số 181 Đê La Thành cho biết: “Từ đầu tháng tư, xi măng Chinfon Hải Phòng và Bút Sơn đều đã tăng trên 30.000đ/tấn. Hiện Chinfon có giá 1.080.000đ/tấn, xi măng Bút Sơn nhỉnh hơn, vào khoảng 1.100.000đ/tấn. Xi măng Hoàng Thạch, Quốc Phòng… cũng có giá từ trên dưới 1.100.000 đồng/tấn".

Theo Bộ Xây dựng, dù đang tồn kho khoảng 0,36 triệu tấn xi măng, 1,02 triệu tấn clinker, nhưng giá xi măng vẫn có thể tăng nhẹ hoặc tiếp tục ổn định ở mức đã tăng. Các nhóm hàng khác như gạch lát nền, gạch chịu lửa, ngói, tôn, sứ vệ sinh, kính xây dựng... đều có dấu hiệu tăng giá trở lại.

Anh Doãn Văn Cận, phụ trách phân phối Công ty thương mại và dịch vụ Hùng Hiền, 36 Cát Linh cũng lưu ý: “Nếu có nhu cầu mua nhiều, khách hàng nên đặt trước khoảng một đến hai tháng, vì bắt đầu từ những tháng hè cho tới cuối năm, chắc chắn hàng sẽ khan hơn”.

Đáng chú ý là, việc giá thép xây dựng tăng đến 4 lần trong một tháng dù lượng thép tồn kho chưa giải phóng hết (đến cuối tháng 5, tồn kho thép xây dựng vẫn còn 160 nghìn tấn, phôi thép là 280 nghìn tấn).

Sau 4 lần tăng, giá thép đắt lên 6,2%, tương đương đội lên 600 nghìn đồng/tấn.

Theo Bộ Công Thương, tính ra giá thép tăng trung bình 30.000- 50.000 đồng/cây, khoảng 11 - 11,2 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, dưới 12 triệu đồng/tấn đối với thép cây.

Cụ thể, chị Trần Thị Quý, Công ty Cổ phần thương mại kim khí An Khánh, cho biết kể từ đầu tháng 4, thép phi 10 của Úc có giá từ 77.000 đồng/cây, Việt Nam là 62.000 đồng/cây, thép phi 12 của Úc có giá 117.000 đồng/cây, Việt Nam là 110.000 đồng/cây…

Lý giải về việc giá cả leo thang, đại diện các doanh nghiệp VLXD như thép, xi măng… đều cho rằng do chi phí đầu vào đội lên. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng, xi măng không thiếu nên không lo sốt giá, nhưng các chi phí điện, than tăng đã buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, trước do tồn kho nhiều và phải cạnh tranh nên nhiều doanh nghiệp phải chịu bán lỗ. Nay thị trường hồi phục phải tranh thủ nâng giá lên để bù vào.

Một giải thích khác là do nhu cầu xây dựng "chạy" mùa mưa, tâm lý mua vào vì lo giá lên, cộng thêm chi phí nguyên liệu thép thế giới tăng, cùng việc đầu vào tăng vì xăng tăng giá.

Bộ Công Thương dự báo, dù tháng 6 vào mùa mưa làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, nhưng giá thép xây dựng, xi măng vẫn có thể tăng nhẹ vì nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet