Top

Thị trường thép khởi sắc nhờ kích cầu

Cập nhật 21/05/2009 16:55

Từ cuối tháng 3-2009, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng đột biến so với trước đó. Sự chuyển dịch này là biểu hiện phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau những nỗ lực kích cầu của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tiêu thụ thép tháng 4-2009 gấp 1,5 lần mức trung bình

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng 4-2009, sản lượng thép tiêu thụ đạt 429.557 tấn, tăng so với dự báo lượng tiêu thụ khoảng 360.000 tấn trước đó và tăng hơn 70.000 tấn so với tháng 3-2009. Trung bình, sản lượng tiêu thụ thép của cả nước đạt khoảng 300.000-320.000 tấn/tháng. Do vậy, lượng thép tiêu thụ trong tháng 4 gấp gần 1,5 lần so với mức trung bình.

Theo nhận định của một số người kinh doanh thép, sở dĩ sản lượng thép tiêu thụ tăng đột biến chủ yếu do trước đó (tháng 1 và tháng 2-2009), sản lượng thép tiêu thụ sụt giảm quá mạnh, nhiều đại lý không dám nhập hàng. Tuy nhiên, bước vào mùa xây dựng, thị trường có dấu hiệu phục hồi, các đại lý bắt đầu nhập hàng ồ ạt, trên thị trường xuất hiện hiện tượng “khan hàng giả tạo”.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, các công ty sản xuất thép rất nhỏ giọt, sản lượng thép tồn kho nhiều, lượng thép bán ra theo thống kê của các công ty tăng nhưng thực chất, không ít đại lý cấp 2 đã tranh thủ “găm hàng” khi thấy giá cả và thị trường có diễn biến tốt.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “Sản lượng thép tiêu thụ tăng một mặt do bước vào mùa xây dựng. Mặt khác, gói kích cầu của Chính phủ được giải ngân, phát huy tác dụng, các công trình xây dựng được cấp vốn để thi công, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng được hưởng lãi suất ưu đãi để tiếp tục sản xuất nên sản lượng thép tăng lên”. Bên cạnh đó, yêu cầu dùng thép sản xuất trong nước đối với các dự án do Nhà nước đầu tư cũng là yếu tố thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ tăng lên.

Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm của Việt Nam là gần 11 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất thép trong nước hiện nay mới đạt khoảng 5,5 triệu tấn, Việt Nam phải nhập khẩu từ 5 - 5,5 triệu tấn. Với nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm như trên, nhu cầu phôi thép dùng để sản xuất thép trong nước năm 2009 ước khoảng trên 5 triệu tấn và Việt Nam cần phải nhập khẩu trên 2 triệu tấn phôi thép. Tính đến ngày 30-4-2009, lượng tồn kho thép còn khoảng 15.752 tấn.

Không có đột biến về giá!

Do nhu cầu tiêu thụ thép tăng mạnh nên trong tháng 4 vừa qua, các công ty sản xuất thép đã điều chỉnh giá bán, khiến giá thép tăng lên từ 400.000 - 500.000 đồng/tấn. Giá thép trên thị trường đang đứng ở mức 10,2-10,7 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Việc nâng giá bán thép như hiện nay là hợp lý bởi trước đó, giá bán thép xuống thấp hơn cả giá thành sản phẩm khiến các doanh nghiệp thua lỗ. Doanh nghiệp bắt buộc phải bán thép với giá thấp bởi nếu không bán, họ sẽ không có tiền trả lãi ngân hàng”. Ông Nghi cũng cho biết, thực chất việc giảm giá bán thép xuống thấp hơn giá thành là một biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhưng để tồn tại trong suy giảm kinh tế, họ buộc phải làm như vậy.

Trong cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và thương hiệu sẽ có lợi thế; các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề chịu thua thiệt. Phần lớn các cơ sở nhỏ này có máy móc lạc hậu, công suất thấp và giá thành sản phẩm luôn cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Cũng theo ông Nghi, với mức giá bán thép hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu có lãi.

Giá thép tăng đã khiến các công trình xây dựng lớn bị ảnh hưởng. Ông Trần Văn Phiêu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 248 cho biết: “Với những công trình được chỉ định thầu thì ảnh hưởng do việc tăng giá nguyên vật liệu ít, bởi hợp đồng xây dựng có thể điều chỉnh trước biến động thị trường. Tuy nhiên, với những công trình thực hiện do đấu thầu, thì việc thương lượng lại giá trị hợp đồng khi có biến động về giá là điều không thể”.

Nói về nguy cơ doanh nghiệp có thể lợi dụng biện pháp hỗ trợ của Chính phủ để tăng giá tùy tiện, ông Nguyễn Tiến Nghi khẳng định: “Các doanh nghiệp sản xuất thép cạnh tranh nhau rất khốc liệt, thậm chí họ còn “đi đêm” với nhau, công bố giá bán 1 kiểu nhưng lại chiết khấu thương mại cao hơn để tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn. Mặt khác, cung thép trong nước vẫn vượt cầu nên không thể xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến”!

Từ đầu tháng 5-2009, giá bán và nhu cầu tiêu thụ thép bắt đầu chững lại. Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu thụ thép tháng 5 sẽ thấp hơn so với tháng 4, nhưng vẫn cao hơn so với mức trung bình, giá thép có thể sẽ nhích lên nhưng không có hiện tượng đột biến như năm 2008. Thị trường thép trong nước có thể phục hồi sớm nhất là cuối năm 2009.

“Trong kinh doanh không tránh khỏi đầu cơ. Nhưng tiềm năng kinh tế của các nhà kinh doanh thép Việt Nam chưa đủ mạnh để đầu cơ hàng trăm nghìn tấn, còn một vài nghìn tấn, chưa thể gọi là đầu cơ. Bài học kinh nghiệm về nhập khẩu phôi thép năm 2008 còn đó, các doanh nghiệp tiềm lực mạnh nhập hàng trăm nghìn tấn phôi giá 1.200 USD/tấn, nhưng ngay sau đó, giá phôi sụt giảm xuống còn 700 USD/tấn, đến tận bây giờ, họ vẫn chưa thể gượng dậy” - ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô