Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2008.
Giá xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian gần đây cũng giảm từ 10 -15% so với trước trong khi giá nguyên liệu, vận tải, điện tăng lên khiến 70% doanh nghiệp gỗ đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm ngành xuất khẩu gỗ dự báo sẽ có những tín hiệu khả quan.
Theo Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong tỉnh đang trong tình trạng rất khó khăn do bị tồn đọng nhiều nguyên liệu gỗ dành cho dòng hàng cao cấp. Đây là số nguyên phụ liệu có giá trị lớn được nhập về từ cuối năm 2007 và trong 2008 để làm các đơn hàng cho năm 2008 và 2009, nhưng đến nay vẫn không sản xuất được vì hầu hết khách hàng đã hủy đơn hàng đối với dòng sản phẩm này vì giá thành cao; trong khi doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất cao từ năm 2008.
Mặt khác theo ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc công ty CP chế biến gỗ Trường Thành, theo quy định về thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên phụ liệu nhập về dùng để sản xuất hàng xuất khẩu là 275 ngày, do vậy từ năm 2007 nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để nộp thuế.
Một số doanh nghiệp chưa kịp xoay sở vốn kịp còn phải chịu thêm phần phạt nộp chậm thuế 0,05% ngày. Đến thời điểm này các doanh nghiệp gỗ vẫn chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường với dòng sản phẩm trung và cao cấp để có hướng xử lý đối với lượng nguyên liệu tồn kho mà vẫn phải tiếp tục gồng mình chịu các khỏan chi phí ngày ngày một lớn lên. Ông Đỗ Quý Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc đình trệ sản xuất và tiêu thụ kéo theo rất nhiều hệ lụy đã đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào tình cảnh bế tắc như không thể tiếp cận các nguồn tín dụng hỗ trợ.
Để giảm bớt khó khăn cho ngành gỗ xuất khẩu và đảm bảo duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2009 các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc ban hành điều chỉnh các văn bản thuế rõ ràng, cụ thể và kịp thời về thời hạn nộp thuế như giảm và giãn nợ thuế cho ngành hàng này...
Gần đây, nhằm ứng phó với những khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã rất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm thị trường, tạo mối liên kết để chia sẻ đơn hàng; nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực khai thác thị trường nội địa. Theo nhận định của ông Đỗ Quý Mạnh, quay về thị trường nội địa các doanh nghiệp gỗ cũng vấp phải nhiều khó khăn như chưa quen với thị trường và phải đáp ứng những yêu cầu khác với thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên nếu vượt qua được những khó khăn này thì thị trường nội địa sẽ là một hướng khả quan và bền vững cho sự phát triển của các doanh nghiệp gỗ.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp gỗ sẽ đỡ khó khăn hơn do đã bắt đầu vào mùa tiêu thụ chính đối với mặt hàng bàn ghế ngoài trời. Các sản phẩm bàn ghế trong nhà cũng sẽ gia tăng vào dịp noel. Thêm vào đó, các đơn hàng các đơn hàng từ các thị trường lớn cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới do nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: