Chủ các công trình xây dựng đứng ngồi không yên. Có thể do khan hàng nên các nhà phân phối “ghim hàng” để tạo cơn sốt ảo.
Những ngày gần đây, đi đến đâu cũng bắt gặp sự than thở của chủ thầu xây dựng về việc khan hiếm xi-măng. Tình hình khan hiếm dẫn đến tình trạng các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP.HCM có câu trả lời quen thuộc là “hết hàng” rồi nâng giá bán. Sau khủng hoảng thép tạm thời trầm lắng lại đến lượt xi-măng, nguyên vật liệu chính trong xây dựng tiếp tục gây khó dễ cho các công trình.
Muốn mua phải đặt hàng trước cả tháng
Xi-măng khan hiếm khiến giá cả đã tăng chóng mặt trên thị trường tự do. Hiện xi-măng Hà Tiên 1 đang bị “hét” lên mức 64.000-70.000 đồng/bao 50 kg tùy từng đại lý (tăng 5.000-11.000 đồng/bao so với tháng trước). Xi-măng Holcim có giá từ 57.000 đồng cũng đã tăng lên 63.000-68.000 đồng/bao 50 kg. Loại xi-măng Fico có giá rẻ nhất trên thị trường cũng đã tăng từ mức 52.000 đồng lên 60.000 đồng/bao 50 kg.
Bà Bạch Vân, chủ một đại lý vật liệu xây dựng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết hiện trong kho chỉ còn mấy chục bao xi-măng Holcim. Rất nhiều khách đến hỏi mua nhưng đại lý không có hàng để bán. Tình trạng khan hiếm xi-măng đang làm đau đầu chủ các cửa hàng bán vật liệu xây dựng và nhiều công trình tại TP.HCM khi nhu cầu đang tăng mạnh.
Theo các chủ đại lý, do khan hàng nên đang có tình trạng các nhà phân phối “ghim hàng” để tạo cơn sốt ảo nhằm tăng giá. Do đó, nếu chấp nhận chịu giá cao thì trong vòng một tuần là có hàng, còn nếu đặt hàng theo đúng giá thì phải một tháng sau mới có. Thực tế, giá xi-măng tại Nhà máy Hà Tiên 1 chỉ ở mức 52.000 đồng/bao 50 kg, ở Holcim giá 51.000 đồng/bao, chưa bao gồm vận chuyển.
Chủ cửa hàng Minh Ngọc, quận Bình Tân bức xúc, từ hai tuần nay cửa hàng gần như đóng cửa. Tài xế của cửa hàng phải bám đợi 10 ngày ở kho phân phối để lấy 100 bao xi-măng mà cũng chưa được. Vì thế nhiều khách hàng đến đặt mua, cửa hàng không dám hứa hẹn.
Trong khi đó, khách hàng phải chạy đôn chạy đáo tìm mua xi-măng vì công trình xây dựng không thể dừng lại. Anh Lộc, ngụ tại quận Bình Thạnh, than thở đã gõ cửa gần hết các cửa hàng ở khu vực gần nhà để mua xi-măng nhưng không có. Hỏi một cửa hàng tại quận 10 thì họ nói còn hàng nhưng “chê” nhà anh xa quá, không thể giao hàng được. Bí quá, anh Lộc đành phải thỏa thuận “cưa đôi” tiền vận chuyển với chủ đại lý.
Giá tiếp tục vọt
Ông Lê Tuấn Thiên, Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty xi-măng Hà Tiên 1, cho biết các đơn vị sản xuất xi-măng đang đứng trước sức ép tăng giá bán xi-măng do chi phí vận chuyển tăng mạnh cùng với việc nguyên liệu đầu vào tăng giá, lãi suất sử dụng vốn vay tăng.
Bên cạnh đó, thời điểm này đang là mùa cao điểm xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ xi-măng rất lớn. Các hãng xi-măng như Nghi Sơn, ChinFon Hải Phòng, Hoàng Thạch trước đây có cung ứng cho thị trường phía Nam khoảng 6.000-7.000 tấn/tháng nhưng nay buộc phải cắt giảm để ưu tiên cho thị trường thân thuộc ở miền Bắc và miền Trung. “Trước đây, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 xe tải đến nhà máy nhận hàng nhưng nay khoảng 300 xe đến nhận hàng cũng không đáp ứng được nhu cầu quá lớn của thị trường” - ông Thiên cho biết thêm.
Giải thích về tình trạng xi-măng tăng giá chóng mặt trên thị trường tự do, ông Thiên cho biết công ty đã tổ chức cuộc họp với các nhà phân phối chính để cam kết giữ ổn định giá xi-măng. Còn việc tăng giá bán lẻ thì nhà sản xuất không thể kiểm soát được vì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã qua rất nhiều khâu phân phối. Giá bán xi-măng Hà Tiên 1 tại nhà máy vẫn giữ mức 990.000 đồng/tấn.
Vừa qua, trước chỉ thị của Thủ tướng nhằm hạn chế lạm phát, các doanh nghiệp sản xuất xi-măng lớn nhất cả nước đã cam kết không tăng giá xi-măng và ổn định giá cho đến hết quý II-2008 cho dù phải bù lỗ. Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Trí, một chủ thầu xây dựng, nhận định không loại trừ chính việc Chính phủ cấm tăng giá khiến các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng và đây là nguyên nhân để các nhà phân phối đẩy giá bán tăng cao do thị trường không có đủ hàng.
Giá xi-măng phụ thuộc giá điện, than
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết từ ngày 1-7 trở đi, giá xi-măng trong nước có tăng hay không còn tùy thuộc vào giá điện và giá than. Nếu nguồn điện, than còn khủng hoảng thì khó có thể kiềm chế xi-măng tăng giá bởi đây là hai chi phí đầu vào rất quan trọng đối với xi-măng.
Dự báo đến cuối tháng 4, giá xi-măng trên thị trường tự do sẽ có đợt điều chỉnh, tăng thêm khoảng 4.000-5.000 đồng/bao 50 kg. Khi đó, giá xi-măng Hà Tiên, Sao Mai nhiều khả năng sẽ vọt lên mức kỷ lục 75.000-80.000 đồng/bao.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: