Top

Thị trường sắt thép: Ế, nhưng giá vẫn... trên trời

Cập nhật 29/10/2008 10:00

Giá thép của Tổng công ty Thép VN (VN Steel) trụ sở phía Nam tiếp tục hạ thêm lần thứ hai trong tháng, đưa tổng mức giảm giá kể từ đầu tháng mười đến nay lên mức trung bình 2 triệu đồng/tấn.

Dù giá đã giảm mạnh nhưng thị trường vẫn rất yên ắng, người tiêu dùng vẫn quay lưng vì cho rằng giá thép phải giảm nữa do giá phôi thép thế giới đang giảm mạnh.

Theo các doanh nghiệp sản xuất thép, hàng tồn kho hiện rất lớn, cộng thêm áp lực trả lãi vay ngân hàng cùng hàng loạt chi phí khác khiến một số đơn vị đã chọn giải pháp tạm ngừng sản xuất để cầm cự, tránh lỗ.

Đỏ mắt chờ người mua

Đã hơn hai tháng nay, giới kinh doanh mặt hàng thép các loại gần như “khóc ròng” khi sức mua trên thị trường tiếp tục đóng băng thảm hại. Mặc dù giá liên tục giảm nhưng sức cầu trên thị trường thấp đến mức “cả tháng nay cửa hàng chúng tôi trong tình trạng sáng mở cửa ra tối đóng cửa về, khách hàng gần như vắng bóng” - chị H.A., đại lý vật liệu xây dựng ở Q.12 (TP.HCM) thở dài nói.

Theo chị H.A., với giá bán lẻ phổ biến ở mức 11,5-11,7 triệu đồng/tấn như hiện nay, giá thép đã thấp hơn ít nhất 9 triệu đồng/tấn so với lúc cao điểm đầu tháng 7-2008, và bán thấp hơn cả giá xuất xưởng của các doanh nghiệp sản xuất thép khoảng 300.000 đồng/tấn do lượng hàng còn tồn quá nhiều.

Giới thầu xây dựng cũng lâm vào cảnh “chợ chiều” khi nhu cầu xây dựng nhiều công trình bị khựng lại ở thời điểm giá thép lên đỉnh điểm. Theo tính toán của ông Bùi Hoàng Triệu, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Q.Tân Bình), nếu bây giờ xây một căn nhà diện tích khoảng 300m2, giá trị 1 tỉ đồng, có thể giảm khoảng 52 triệu đồng do giá sắt thép giảm, nhưng số dự án khởi công mới cũng rất ít vì vào dịp cận tết.

Trong khi đó, theo một cán bộ có thẩm quyền của VN Steel trụ sở phía Nam, do nhu cầu thị trường quá thấp, cộng thêm giá phôi thế giới giảm mạnh đã đẩy sức ép giảm giá lên các doanh nghiệp sản xuất. Nếu tính từ giữa tháng 8-2008 đến nay, VN Steel đã giảm giá ít nhất sáu lần, tương ứng khoảng 5,48 triệu đồng, hiện giá thép giao tại nhà máy dao động ở mức 11,75-11,85 triệu đồng/tấn (chưa tính VAT).

Theo tiết lộ của doanh nghiệp này, ngay cả mùa kinh doanh thấp điểm hằng năm, mức tiêu thụ cũng có thể đạt 25.000-30.000 tấn/tháng. “Nhưng ba tháng liên tiếp vừa qua, tiêu thụ của chúng tôi chỉ ở mức 15.000-16.000 tấn dù đã đẩy mạnh trong khâu tiếp thị, bán hàng” - ông này nói.

Tình cảnh ảm đạm này cũng rơi vào hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay. Giám đốc điều hành một công ty sản xuất thép tư nhân như ngồi trên lửa khi áp lực lãi vay đến hạn phải trả lên đến gần cả triệu USD, trong khi thành phẩm làm ra phải chất đống trong kho vì không tiêu thụ được, dù công ty ông đã buộc phải hạ giá đến... tám lần tính từ cuối tháng bảy vừa qua.

Phá sản vì “bắt tay” không hạ giá?


Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), do mãi lực tiêu thụ quá kém khiến tình trạng tồn đọng phôi thép và thép thành phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất thành viên của hiệp hội ước lên đến gần 1 triệu tấn. Các doanh nghiệp đã đồng loạt hạ giá bán ồ ạt kể từ cuối tháng bảy để quay vòng vốn, nhưng vẫn không làm xoay chuyển tình thế do nhu cầu thị trường quá thấp.

Chính vì vậy, ngày 7-10 vừa qua Hiệp hội Thép VN tổ chức cuộc họp giữa các thành viên thống nhất: “không tranh nhau hạ giá bán theo kiểu phá giá, thống nhất mức giá bán thép 13,5-13,7 triệu đồng/tấn (chưa tính VAT)”.

Tuy nhiên, sự “bắt tay” này đã chẳng thể theo ý muốn của các doanh nghiệp. Nhu cầu tiếp tục tuột dốc không phanh khiến các doanh nghiệp lần lượt phải tự cứu mình bằng cách... tiếp tục hạ giá.

Nếu so sánh mức giá thỏa thuận trong cuộc họp ngày 7-10 với mức giá hiện tại là 11,75-11,85 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp đã hạ hơn mức cam kết 1,75-1,85 triệu đồng/tấn mà ế vẫn hoàn ế! “Bán với giá nói trên các doanh nghiệp đã lỗ ít nhất 4-4,5 triệu đồng/tấn do phần lớn đều sử dụng lượng phôi nhập khẩu của các tháng trước đó có giá trung bình 900-1.000 USD/tấn” - ông Cường khẳng định.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép VN, đã có ít nhất năm nhà máy buộc phải dừng sản xuất, giảm ca, giãn thợ vì không thể tiếp tục duy trì tình hình sản xuất trong bối cảnh quá khó khăn này.

Để giải quyết tình trạng ứ đọng nguyên liệu phôi thép, ông Cường cho rằng Bộ Tài chính cần sử dụng chính sách điều chỉnh thuế sao cho linh hoạt hơn, trong đó cần thiết đưa mức thuế xuất khẩu phôi thép về mức 0% thay vì giữ 5% như hiện tại.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lẫn các đại lý kinh doanh thép lại kỳ vọng một mức giá bán thép thấp hơn giá bán các doanh nghiệp đang áp dụng từ một lý do rất chính đáng: giá phôi thép thế giới giao dịch hiện chỉ còn 350-400 USD/tấn. Với mức giá này, giá thành một tấn thép xuất xưởng (đã tính VAT) chỉ ở mức 8,686 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá các doanh nghiệp đang bán khoảng 3 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, đại lý kinh doanh các cấp lại chọn giải pháp đua nhau hạ giá bởi phần lớn lượng thép họ đang nắm giữ đều đã được mua đứt từ các đại lý cấp “bự” bên trên.

Nếu như thời điểm tháng 8-2008 việc giảm giá được các đại lý thực hiện nhỏ giọt vì còn mãi “ngóng” thị trường khôi phục, thì bước sang tháng chín và tháng mười, các đại lý đã phải “ra tay” giảm mạnh hơn cả nhà sản xuất khoảng 20% bởi áp lực trả nợ lẫn lãi vay ngân hàng đến hạn quá lớn.

Chênh lệch hơn 3 triệu đồng/tấn

- Giá phôi thép hiện nay: 400 USD = 6.640.000 đồng

- Thuế nhập khẩu 2%: 8 USD = 132.000 đồng

- Chi phí sản xuất (gồm dầu FO, khấu hao thiết bị, khí gas, nhân công, tiêu hao phôi thép, chuyên chở...): 1.500.000 đồng

- Giá thành sản phẩm tại nhà máy: 8.272.000 đồng/tấn

- Giá thép giao cho các đại lý tại nhà máy: 11,75-11,85 triệu đồng/tấn.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ