Việc chính thức ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BXD được đánh giá là đã hoàn thiện thêm một bước hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đối thoại với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Ngô Lâm, Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, những quy định mới sẽ tạo điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng công trình xây dựng, hạn chế rủi ro, gây mất an toàn.
Ông Ngô Lâm.
|
Kiểm soát từng khâu quan trọng
* Phóng viên (PV): Thông tư 10 đã có những quy định cụ thể nào để cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) có thể kiểm soát chất lượng công trình ngay trong quá trình triển khai, thưa ông?
Ông Ngô Lâm: Trước hết, thông tư phân định rõ trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với chủ đầu tư, các nhà thầu ở từng hình thức đầu tư như BT, BOT, PPP. Thứ hai là quy định các trình tự thủ tục từ khảo sát, thiết kế, quản lý trong quá trình thi công. Thứ ba là việc lập và phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật, đây là tài liệu rất quan trọng làm cơ sở để quản lý chất lượng trong quá trình thi công xây dựng. Đặc biệt, trong thông tư quy định thủ tục, trình tự để cơ quan QLNN đi kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng.
Trước đây, dự án sau khi được phê duyệt, việc tổ chức thi công, nghiệm thu hoàn toàn do chủ đầu tư đảm nhận sau đó đưa vào sử dụng. Theo các quy định mới, các công trình liên quan đến an toàn cộng đồng như nhà chung cư, trường học, bệnh viện…, cơ quan QLNN sẽ kiểm tra chất lượng, bảo đảm công tác quản lý chất lượng tuân thủ theo quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn mới được đưa vào sử dụng. Đây là một bước tiến lớn để kiểm soát chất lượng đối với một số công trình xây dựng đặc thù.
Nhà nước sẽ không can thiệp vào tiến trình thực hiện dự án, mà đó là trách nhiệm của các chủ thể. Nhưng để bảo đảm chất lượng, Nhà nước sẽ thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu. Khi đủ điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng, cơ quan QLNN sẽ cho phép chủ đầu tư nghiệm thu công trình. Ngoài ra, thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ quản lý chất lượng của các bộ, các sở, không chỉ có Bộ Xây dựng mà có cả bộ chuyên ngành, sở chuyên ngành theo quy mô công trình, loại công trình. Đồng thời, cụ thể hóa trong quy trình thủ tục để các cơ quan này có căn cứ thực hiện một cách rõ ràng và cũng giúp chủ đầu tư biết để chủ động thực hiện.
* PV: Ông có thể nói rõ công tác kiểm tra sẽ được thực hiện theo các bước cụ thể như thế nào?
Ông Ngô Lâm: Khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư có báo cáo về thông tin chung của công trình cho cơ quan QLNN. Sau khi nhận được báo cáo, cơ quan QLNN sẽ có thông báo về kế hoạch kiểm tra. Để tránh việc chồng chéo, tùy tiện trong kiểm tra chất lượng công trình, chúng tôi quy định rõ công trình ở cấp nào thì mấy lần kiểm tra, ví dụ với công trình cấp đặc biệt là 4 lần, cấp 1 là 3 lần, cấp 2 là 2 lần. Quy định này bảo đảm không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các chủ thể nhưng cũng đủ để cơ quan QLNN kiểm tra, kiểm soát ở một số thời điểm quan trọng.
Trước đây, quá trình xây dựng công trình, nhất là công trình được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, cơ quan QLNN ít có điều kiện đi đến từng công trình và cũng không có quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm tra. Vì vậy, với quy định mới, chúng tôi mong rằng, nếu có sai phạm sẽ kịp thời xử lý theo quy định pháp luật, sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm chất lượng.
Kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm
* PV: Khi kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý như thế nào? Trách nhiệm khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết được phân định ra sao, thưa ông?
Ông Ngô Lâm: Cơ quan QLNN sẽ kiểm tra việc tuân thủ của các chủ thể, có đúng thiết kế không, có đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng không. Nếu vi phạm sẽ lập biên bản, sau đó, có ý kiến gửi sang cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm, theo quy định hiện nay là cơ quan thanh tra. Căn cứ kết quả kiểm tra, cơ quan thanh tra sẽ đưa ra hình thức xử lý theo quy định và phải báo lại cho cơ quan QLNN kết quả xử lý. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện nhà thầu tư vấn giám sát không có chứng chỉ, có thể đình chỉ nhà thầu đó hoặc thi công sai thiết kế phải xem xét ảnh hưởng như thế nào đến an toàn công trình để có biện pháp xử lý phù hợp.
Cũng cần nhấn mạnh, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình. Việc cơ quan QLNN kiểm tra công trình trước khi đưa vào sử dụng để bảo đảm rằng, chủ đầu tư và các nhà thầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng. Công trình phải bảo đảm yêu cầu về an toàn chịu lực, PCCC, môi trường… thì mới cho phép nghiệm thu đưa vào sử dụng.
* PV: Theo ông, việc ban hành các quy định về kiểm tra chất lượng công trình có tạo thêm thủ tục hành chính rườm rà cho chủ đầu tư cũng như các nhà thầu không?
Ông Ngô Lâm: Chúng tôi thừa nhận đây là một thủ tục, nhưng để đánh giá có phải thủ tục hành chính rườm rà hay không phải xét xem thủ tục đó có cần thiết hay không. Trước đây khi chưa có thủ tục này, rõ ràng chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng xong, nghiệm thu xong là đưa vào sử dụng hoặc bán cho người dân. Thủ tục này bảo đảm chắc chắn rằng, công trình đã tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng và bảo đảm an toàn. Nếu chúng ta khẳng định rằng, thủ tục này là cần thiết và đã được quy định rõ ràng thì tôi tin chắc các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng sẽ tuân thủ bình thường, không gây rườm rà.
Việc ban hành Nghị định 15 và Thông tư 10 phải khẳng định là đã hoàn thiện được một bước rất lớn về chính sách quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chúng tôi cho rằng, với những quy định mới chặt chẽ sẽ có điều kiện để cơ quan QLNN quản lý sâu sát hơn và có điều kiện để nâng cao chất lượng công trình xây dựng, hạn chế công trình có khiếm khuyết.
PV: Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Quân đội nhân dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: