Top

Phát triển Vật liệu xây không nung: Một số giải pháp

Cập nhật 06/05/2010 15:40

Để thực hiện mục tiêu đạt 40% vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 bằng 16,8 tỷ viên, trung bình mỗi năm phải đầu tư mới 1,6 tỷ viên. Căn cứ vào nguồn nguyên liệu của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để đầu tư các cơ sở sản xuất VLXKN thích hợp.

Phát triển sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, cát, tro xỉ, mạt đá, trên các dây chuyền 3 triệu, 7 triệu, 15 - 40 triệu viên/năm ở các vùng nông thôn, miền núi, các KĐT, KCN, trước tiên thay thế các lò gạch thủ công. Loại vật liệu này chiếm 60 - 70% VLXKN vào năm 2020. Đầu tư sản xuất đá chẻ, đá ong, VLXKN từ đất đồi, từ phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp (bùn đỏ) với các dây chuyền sản xuất trên 8 - 20 triệu viên TC/năm, chiếm khoảng 5% VLXKN.

Tập trung đầu tư phát triển VLXKN mới, bê tông nhẹ chiếm tỷ lệ 25 - 35%, tương đương 6,5 - 8 triệu m3 vào năm 2020. Trong đó bê tông khí chưng áp AAC có chất lượng cao, kích thước lớn, phù hợp với việc xây nhà cao tầng, công trình quy mô lớn ở các KĐT, cần được đầu tư sản xuất trên các dây chuyền hiện đại, công suất từ 100 - 400 nghìn m3/năm (có sản xuất tấm cốt thép nhẹ) là hướng phát triển chủ yếu. Bê tông bọt có chất lượng thấp hơn, kích thước nhỏ hơn, quy mô công suất hợp lý từ 10 - 30 nghìn m3/năm theo công nghiệp cơ giới hóa và một phần tự động hóa, thiết bị chế tạo trong nước với vốn đầu tư thấp sẽ được đầu tư ở các vùng có nhu cầu ít, đến năm 2020 sản lượng bê tông bọt chiếm khoảng 5% VLXKN.

1. Các giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất VLXKN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay... Chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình.

2. Các địa phương còn xây dựng và công bố quy hoạch sử dụng đất để sản xuất gạch đất sét nung, không sử dụng đất nông nghiệp. Ban hành các chính sách tăng trưởng tỷ lệ gạch rỗng đất sét nung lên 80% vào năm 2020. Tăng thuế tài nguyên đất sét làm VLXD.

3. Hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN, nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp. Nghiên cứu sản xuất phụ gia, chất tạo bọt và bột nhôm kỹ thuật chế tạo vữa xây, trát VLXKN.

4. Nâng cao năng lực cơ khí trong nước để chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, để giảm nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2020 không nhập khẩu.

5. Soát xét, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa VLXKN vào công trình.

6. Để đưa VLXKN vào cuộc sống cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững.


TS Trần Văn Huynh Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng